Không cạnh tranh riêng biệt theo phân khúc, nhiều hãng xe bắt đầu chuyển hướng cạnh tranh theo mức giá để gia tăng thị phần. Điển hình là trường hợp đối đầu giữa mẫu SUV 7 chỗ Mazda CX-8 Deluxe và Honda CR-V 5+2 vừa ra mắt theo dạng lắp ráp gần đây.
Sau "cơn bão" hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ và các chính sách miễn, giảm thuế nhiều loại vật tư, linh kiện nhập khẩu cho ô tô lắp ráp trong nước (CKD), nhiều hãng xe nhanh chóng chuyển hướng sang hình thức CKD để được hưởng lợi, tiêu biểu là màn ra mắt của Mitsubishi Xpander và Honda CR-V lắp táp tại Việt Nam vào tháng 7 vừa qua.
Với Honda CR-V, mẫu xe 5+2 có giá bán nhỉnh hơn khoảng 30 triệu so với bản nhập khẩu trước đó, tăng nhẹ một số trang bị. Động thái này đáp ứng được vấn đề hưởng ưu đãi phí trước bạ tuy nhiên vô hình chung gạt bỏ đi yếu tố nhập khẩu vốn vẫn luôn là điểm thu hút chính yếu của CR-V từ trước đến nay, đưa mẫu xe 5+2 trở lại thế cân bằng với các xe lắp ráp trong nước. Khó khăn hơn, giờ đây CR-V không chỉ cạnh tranh với các xe SUV 5 chỗ khác mà còn đối đầu trực diện với một số mẫu xe 7 chỗ cùng tầm giá, cụ thể là đại diện CX-8 đến từ Mazda.
Sau khi giảm giá niêm yết vào tháng 7/2020, Mazda CX-8 hiện có giá khởi điểm chỉ từ 999 triệu, ngang bằng với CR-V bản E 2020 có giá 998 triệu đồng. Với mức giá này, đại diện của Mazda tạo nên sức ép rất lớn cho CR-V bởi rõ ràng, 1 tỷ đồng là mức giá "hời" để sở mẫu SUV 7 chỗ thực thụ thay vì xe 5+2. Giá của phiên bản cao cấp CX-8 Premium 2WD (1 cầu) hiện dừng ở mức 1 tỷ 149 triệu, tương đương với Honda CR-V 1.5L 2WD bản L cao cấp nhất có giá 1 tỷ 118 triệu đồng. Đáng chú ý, CX-8 còn sở hữu thêm tùy chọn Premium AWD (2 cầu) với chênh lệch mức giá 100 triệu so với bản 2WD (1 cầu), điều mà CR-V 2020 chưa thể đáp ứng.
Trên thực tế, Honda CR-V 2020 là bản nâng cấp facelift với một số thay đổi về trang bị, đặc biệt là hệ thống Honda Sensing có mặt trên cả 3 phiên bản E, G và L. Trong đó phiên bản E thấp nhất với hệ thống đèn tự động, đèn sương mù LED nhưng cụm đèn pha vẫn là Bi-halogen. Đèn pha LED chỉ có trên bản G và L. Nội thất bản E vẫn giống như thế hệ tiền nhiệm, riêng bản G có thêm ốp vân gỗ, ghế da đen, màn hình cảm ứng 7 inch, điều hòa tự động 2 vùng, 6 loa, camera lùi đánh lái và bản L có thêm sạc không dây, cửa sổ trời, cốp điện, đá cốp, gạt mưa tự động và cảm biến lùi hiển thị trên màn hình. Xét về vận hành, CR-V 2020tỏ ra thua thiệt so với các đối thủ ở khía cạnh chưa có tùy chọn AWD, động cơ vẫn là loại tăng áp 1,5L công suất 188 mã lực cùng cấu hình 5+2 chỗ ngồi.
Mazda CX-8 ngược lại đang tạo lợi thế rõ rệt khi là mẫu xe hoàn toàn mới có cấu hình 7 chỗ rộng rãi, đáp ứng đúng nhu cầu không gian mà cả khách hàng cá nhân và các gia đình đang tìm kiếm. Bên cạnh đó, mẫu xe sử dụng động cơ 2.5L mạnh mẽ, ổn định, tăng tốc tốt và êm ái nhờ sự hỗ trợ của hộp số 6 cấp. Ngay cả phiên bản thấp nhất CX-8 Deluxe cũng đã được trang bị đèn pha LED, màn hình HUD và cảm biến trước sau hiện đại – những trang bị chỉ xuất hiện trên bản cao cấp nhất của CR-V. Một số trang bị hữu ích vượt trội khác còn có rèm che nắng cửa sau và điều hòa 3 vùng độc lập. Đặc biệt, Mazda CX-8 sở hữu phiên bản có hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD mang đến những trải nghiệm lái vượt trội.
Hiện Honda CR-V lắp ráp trong nước sẽ được bàn giao tới khách hàng từ ngày 11/8 tới với 2 phiên bản G và L. Bản E sẽ được giao trong quý IV/2020 do những trở ngại trong quá trình mới đi vào vận hành lắp ráp. Điều này cũng là một bất lợi không nhỏ cho CR-V khi đối thủ CX-8 luôn có nguồn cung dồi dào nhờ sở hữu nhà máy lắp ráp quy mô lớn và đã đi vào vận hành theo tiêu chuẩn Nhật Bản từ lâu.
Cuộc đối đầu thú vị này có thể sẽ khơi mào một xu hướng cạnh tranh mới, nơi mà yếu tố phân khúc không còn là điểm chính yếu. Ngược lại, cuộc chiến về giá và trang bị sẽ tạo lập một cục diện cạnh tranh mới trong tương lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.