Cuộc đua chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

An Vũ Thứ bảy, ngày 22/05/2021 08:34 AM (GMT+7)
Mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay các khoản nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân phải thực hiện theo số hóa, tự động. Thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đang chạy đua triển khai chuyển đổi số, đưa ứng dụng số hóa vào các hoạt động của nhà băng.
Bình luận 0

70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện trên môi trường số 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng...

Cơ bản đến năm 2025, đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.

Đến năm 2030, mục tiêu cơ bản là ít nhất 70% việc giải ngân, cho vay của ngân hàng, công ty tài chính với khách hàng cá nhân vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng được thực hiện số hoá, tự động.

Cuộc đua chuyển đổi số trong ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Các ngân hàng thương mại cũng đang chạy đua triển khai chuyển đổi số, đưa ứng dụng số hóa vào các hoạt động của nhà băng. Ảnh minh họa

Tương tự, với mục tiêu đạt ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử vào năm 2025 thì đến năm 2030, tỉ lệ này phải nâng lên con số 80%.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phải triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả. Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động, vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.

Đối với phát triển hạ tầng số, ngành ngân hàng phải hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông; triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin; nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

Toàn ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cuộc đua chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại cũng đang chạy đua triển khai chuyển đổi số, đưa ứng dụng số hóa vào các hoạt động của nhà băng.

Gần đây nhất phải kể tới sự ra mắt của eKYC (giải pháp định danh điện tử) tại hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…

Trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng phải trực tiếp đến quầy giao dịch để đăng ký, xác minh thông tin, thì với eKYC, các thao tác này có thể thực hiện qua thiết bị di động. Như tại SHB, ứng dụng ngân hàng điện tử SHB Mobile sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân còn hạn hoặc hộ chiếu) so sánh với hình chụp các góc khuôn mặt khách hàng để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến.

Sau khoảng 3 phút thực hiện, khách hàng có thể đăng ký gói tài khoản trực tuyến thành công. Giải pháp này giúp khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng nhanh chóng và bảo mật, thực hiện thành công 24/7 qua kênh online mà không cần đến quầy giao dịch, xếp hàng chờ đợi. Đây được xem là bước quan trọng để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hóa.

Trước đó, mô hình LiveBank với 330 máy giao dịch tự động không cần nhân viên trên cả nước cũng được xem là một trong những thành công lớn của TPBank trong việc ứng dụng số hoá ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, ước tính 3 máy Live Bank có thể thay thế một chi nhánh ngân hàng. Live Bank có thể đảm đương khoảng 80% giao dịch truyền thống trừ cho vay (do vướng các quy định về pháp lý), giúp giải bài toán mở rộng mạng lưới hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, TPBank đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số bằng robot để thay thế lao động giản đơn, "làm thay" những công việc lặp lại, nhàm chán, đơn giản mà trước kia phải bố trí nhân viên để làm. Đối với các nhân sự được thay thế, ngân hàng chuyển sang đào tạo lại để thế vào các công việc mà công nghệ và AI không thể làm được.

Hay tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), robot cũng đã được ứng dụng vào việc hỗ trợ giao dịch (Robot OPBA).

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) đa nhiệm hơn.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, TPBank có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có LienViet24h…Thực tế thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng đang chạy đua triển khai chuyển đổi số, đưa ứng dụng số hóa vào các hoạt động của nhà băng...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem