Chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, lấy vé mà không cần bất cứ theo tác nào khác như nhập mã pin hay chờ đợi cà thẻ,…chị Phan Thanh Nhàn (Mỹ Đình) cho biết chị thấy hài lòng khi trải nghiệm di chuyển bằng xe buýt điện Vinbus và dịch vụ thanh toán không tiếp xúc trên buýt điện bằng thẻ Napas do các ngân hàng Việt Nam phát hành.
"Ngay khi có tuyến xe buýt điện đầu tiên của Vinbus, thanh toán bằng thẻ Napas do các ngân hàng Việt Nam phát hành vào ngày 2/12, tôi đã rất tò mò về dịch vụ này nên thử trải nghiệm. Không nghĩ rằng, Việt Nam bây giờ cũng "tây" như vậy, lên xe thay vì móc ra vài đồng tiền lẻ thì chỉ cần chạm nhẹ thẻ Napas BIDV Smart mà tôi đang sử dụng vào thiết bị quẹt thẻ, thậm chí không cần phải nhập mã pin, phải ký xác nhận, tiền trong tài khoản sẽ bị trừ và vé tự động sẽ được in ra, thời gian chỉ tính bằng giây, rất nhanh gọn và tiện lợi. Xe buýt điện Vinbus cũng vô cùng rộng rãi, sạch sẽ và không có nhiều tiếng ồn giống xe buýt truyền thống hiện nay", chị Nhàn đánh giá.
Không chỉ thẻ BIDV Napas có gắn chip như chị Nhàn đang sở hữu, hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc do các ngân hàng TPBank, Agribank, SHB, Ngân hàng Bản Việt, Viet Bank và SeABank để mua vé.
Từ ngày 2/12/2021 tuyến xe buýt điện đầu tiên do Vinbus vận hành chính thức phục vụ người dân Hà Nội. Hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc do các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, Ngân hàng Bản Việt, Viet Bank và SeABank để mua vé.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), Napas đã cùng 7 ngân hàng đầu tiên triển khai sử dụng thẻ chip của ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử tiện lợi trên xe buýt Vinbus.
Người dân có thẻ chip nội địa không tiếp xúc sẽ dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng sử dụng xe buýt điện để mua vé lượt cũng như nạp tiền vào vé tháng. Qua đó cung cấp tiện ích thanh toán cho người dân để sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
"Trong thời gian tới, sẽ có thêm hàng loạt ngân hàng nữa sẽ tham gia. Từ hợp tác đầu tiên này, sẽ mở rộng ra tất cả các tuyến thanh toán phục vụ cho việc tham gia giao thông của người dân, từ xe buýt truyền thống, đến đường sắt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe khách liên tỉnh,... và phát triển trên toàn quốc", ông Hùng thông tin thêm.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta nhìn rõ được lưu lượng và lượt thanh toán thông qua tất cả các tuyến từ đó minh bạch hóa quá trình vận hành các tuyến giao thông công cộng.
Thấy gì từ "một chạm" của Napas
Ứng dụng thẻ chip không tiếp xúc mua vé buýt điện Vinbus ở Hà Nội trong là một minh chứng trực quan và hiệu quả cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải giao thông công cộng, tiến tới áp dụng thẻ thông minh/thẻ chip ngân hàng cho tất cả các hình thức giao thông đô thị không chỉ ở Hà nội mà toàn quốc.
Ưu điểm nổi trội của thẻ chip không chỉ đem tăng cường tính năng an toàn, bảo mật thông tin, phòng tránh rủi ro gian lận, giả mạo trong giao dịch thẻ, mà thẻ chip còn có thể tích hợp tính năng thanh toán với tính năng khác trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông,…
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hùng, việc phát triển các sản phẩm thanh toán đa tính năng ứng dụng công nghệ chip trong nhiều lĩnh vực là hướng đi lâu dài của Napas nhằm đem lại nhiều tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho người dùng, từ đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân cũng như nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại là tích cực đẩy mạnh chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng.
Hiện trên thị trường có khoảng 21 triệu thẻ chip không tiếp xúc (contactless) trên tổng 100 triệu thẻ ngân hàng trên thị trường.
Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, có quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa đối với các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ như sau: Tổ chức phát hành thẻ thực hiện chuyển đổi thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp (thẻ nội địa) đang lưu hành tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa và từ 31/03/2021 các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ nội địa đang lưu hành phải tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa. Tổ chức thanh toán thẻ thực hiện chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ TCCS về thẻ chip nội địa.
Như vậy, số thẻ chip không tiếp xúc sẽ còn tăng mạnh trong lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sắp tới.
Thẻ chip nội địa do các ngân hàng Việt Nam phát hành ra mắt thị trường từ tháng 5/2019 sử dụng chung thương hiệu Napas với công nghệ tiếp xúc và không tiếp xúc đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip do Ngân hàng Nhà nước ban hành và Tiêu chuẩn quốc tế EMV; mang lại sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng và hạn chế các giao dịch gian lận, giả mạo. Đến nay, Napas đã cùng 43 Tổ chức thành viên hoàn thành công tác triển khai TCCS về thẻ chip nội địa theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.