Lời kể của những người dân xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên mà bắt đầu bằng tin nhắn qua Facebook của nick Đặng Tuấn đã cung cấp những thông tin thực chứng nhất, có cơ sở nhất để Nguyễn Lê Anh triển khai một cuộc tìm kiếm trên thực địa.
Số phận xác chiếc máy bay bí ẩn
5 giờ sáng 23.2, tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch, Lê Anh cùng hai người bạn từ Hà Nội xuất hành hướng Đại Từ, Thái Nguyên. Đây là chuyến đi thứ hai của người đàn ông 62 tuổi, đam mê khám phá núi rừng này, kể từ khi nhận được thông tin đầu tiên từ Đặng Tuấn.
Tại xã Mỹ Yên, Đại Từ, bốn “thổ dân” bản địa đợi sẵn. Trong số này có ông Hiệu, 49 tuổi, chú của Đặng Tuấn, cho hay chính ông, hơn 20 năm trước khi vào rừng đi săn với người trong làng, từng lăn cái lốp máy bay mà ông thấy trên một triền núi cao xuống vực. Một người khác là ông Dương Văn Phú, 56 tuổi, trú xã Cát Nê, cũng huyện Đại Từ. Ông này cho hay chính mình từng sờ tay, đục đẽo vào khối máy móc kim loại, có những bánh răng to mà như mô tả có thể là động cơ của chiếc máy bay bị rơi trên đỉnh núi ấy. Khối sắt thép ấy, như chuyện người dân kể lại, do khó cắt phá nên có người đã đẩy xuống dốc núi.
Còn theo lời bà của Đặng Tuấn, khoảng 40 năm trước, người đầu tiên phát hiện xác máy bay đã lấy nhôm về bán rồi giàu lên bất ngờ. Một số người khác “ăn theo”, còn lên đó cưa cắt nhôm, đốt lò nung chảy, đông thành khối cho dễ xuống núi rồi bán đồng nát. Chỗ dựng lò đốt ấy dân gọi là “bãi nhôm”. Nhưng vị trí cụ thể thì nhóm bốn người dẫn đường không ai nhớ chính xác.
Háo hức, bi quan và thất vọng
Lên tới Mỹ Yên khoảng 8 giờ 30 sáng, bàn bạc một lúc, cả nhóm tìm kiếm lên xe vào sâu trong bìa rừng, khu vực phía đông Tam Dao Nord - đỉnh cao nhất của dãy Tam Đảo. Đến 10 giờ, họ bắt đầu leo núi. Với ba lô, đồ leo núi chuẩn bị sẵn, Lê Anh phân công người thành thạo, biết đường kèm người lạ lẫm.
Tiết trời vùng núi âm u, mưa phùn, ẩm ướt, lạnh lẽo. Cứ lầm lũi trên đường dốc trơn trượt như vậy, đến chừng 14 giờ chiều, những người đầu tiên tới vị trí dự kiến dựng trại, độ cao theo Google Maps khoảng 1.000 m, gần một lạch suối nhỏ. Trong khi đó, nhóm sau đi chậm, sức khỏe kém hơn, phải tới 19 giờ tối mới tới nơi. Mọi người dựng trại, dùng đồ ăn chuẩn bị sẵn, nghỉ qua đêm.
TS Nguyễn Lê Anh (giữa), người trực tiếp tìm kiếm thực địa Tam Đảo làm việc với đại diện Quân chủng Phòng không không quân để bàn giao mảnh vỡ máy bay tìm được. Ảnh: TUYẾN PHAN
Vì trời mù sương, tán cây rậm rạp nên sáng hôm sau, phải 10 giờ cuộc tìm kiếm mới chính thức bắt đầu. Khu vực dự kiến tìm kiếm cách điểm hạ trại khoảng một tiếng đi bộ. Vật thể hy vọng tìm thấy là những chiếc lốp máy bay cũng như các phần động cơ đã bị tháo rời, kích cỡ mỗi chiều khoảng 50 cm.
Nhóm “thổ dân” tản ra nhiều hướng, tiến hành tìm kiếm theo hướng dẫn của Lê Anh, chủ yếu lần xuống những khe đá, triền dốc… mà có thể lốp, khối động cơ kẹt lại sau khi bị đẩy xuống. Tuy nhiên, đến 14 giờ họ quay về tay không. Họ tranh luận với nhau rất nhiều và còn gọi điện thoại cho người dưới làng. Họ nói lại với Lê Anh là ngay cả khối động cơ sắt thép xù xì ấy cũng đã bị dân dùng đèn hàn cắt mang bán rồi. Cả nhóm về trại nghỉ.
Ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm thực địa, 25-2, cả nhóm tình nguyện viên dọn lều trại, bỏ gọn trong ba lô, tiếp tục lần mò. “Trong lòng tôi lúc đó chán nản lắm rồi. Nghĩ là khó có thể tìm thấy thứ gì trong rừng cây rậm rạp, địa hình dốc núi gồ ghề mà đi theo những khe suối ẩm ướt có thể trượt ngã, trẹo chân bất cứ lúc nào. Vậy nên dọn dẹp, tìm nốt rồi về” - Lê Anh nhớ lại.
Khoảnh khắc không ngờ
Vào 14 giờ 30 chiều, Lê Anh lần tới một vách đá, ở vị trí mà theo tính toán của ông trên Google Maps, kết hợp với thông tin mà người dân bản địa kể lại, có thể là nơi máy bay rơi hoặc đâm vào. Từ đó, ông phân mọi người theo các nhóm lẻ để tìm xuống. “Tôi tự nhủ cứ phát cây tìm xuống theo hướng đường về thôi chứ chắc thấy được gì!”.
Người đi cặp với Lê Anh lúc ấy là ông Phú. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông nhớ lại: “Lê Anh nhắc tôi phạt cây, đi theo một sườn núi dốc vừa phải. Tôi đi trước, ông ấy đi sau một bước. Tự nhiên tôi nhìn thấy một mẩu dây trăng trắng trồi lên. Tôi bẻ bẻ thấy dẻo dẻo, cứng cứng, kiểu như dây điện vậy. Tôi hô lên: “Đây này!”. Ông Lê Anh bảo cứ để nguyên đấy. Bọn tôi lần lần, lật hai hòn đá đè lên, rồi bới nhẹ. Thì ra hai sợi dây điện ấy nối vào một mảnh kim loại, trên một mặt có các đinh tán, ốc vít, phía dưới có một cái kiểu như lẫy, khóa gì đó”.
Vậy là cả toán tìm kiếm được gọi lại. Chọn đúng vị trí tìm thấy mảnh hợp kim nhôm, ông Lê Anh thắp một bó hương lớn mang theo từ trước. Cả nhóm năm người khấn thần linh thổ địa, khấn anh linh liệt sĩ Công Phương Thảo cùng người thầy Liên Xô Poyarkov, hai người mà ai cũng tin rằng có liên quan đến mảnh kim loại đã xanh rêu năm tháng. Đợi tàn hương, họ mới trở về nơi cắm trại, thu dọn đồ dùng, dắt nhau xuống núi.
Những câu hỏi từ mảnh hợp kim xanh rêu
Chiều tối hôm ấy, khi những hình ảnh đầu tiên về mảnh kim loại được Lê Anh đưa lên Facebook, hàng trăm người quan tâm đã bấm “like”, chia sẻ thông tin. Nhiều người bày tỏ hy vọng mảnh vỡ ấy sẽ mở ra cánh cửa tìm kiếm tung tích hai phi công mất tích theo chuyến bay huấn luyện 47 năm trước. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn liệu đã chắc đó là mảnh xác máy bay chưa. Và ngay cả khi nó thuộc về máy bay thì đã chắc gì là chiếc tiêm kích phản lực hai chỗ ngồi, MiG-21U do Công Phương Thảo và chuyên gia Poyarkov điều khiển.
Những nghi ngờ, băn khoăn ấy không phải là vô lý. Bởi chỉ tìm kiếm trên Internet thì thấy rõ những năm chiến tranh ấy, giai đoạn 1965-1972, đã có hàng loạt cuộc không chiến giữa các tiêm kích ta với không quân Mỹ trên bầu trời Tam Đảo. Nhiều máy bay cả hai phía đã bị bắn cháy. Chưa kể đã có những vụ tai nạn máy bay xảy ra khi đơn vị không quân gần đó huấn luyện.
Vì thế nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra, nhiều công việc phải tiếp tục được tiến hành, bắt đầu từ mảnh kim loại này.
Pháp Luật TP.HCM xin khép lại loạt bài về chiếc MiG-21 mất tích bí ẩn này và sẽ thông tin tiếp khi có diễn biến mới.
Tin ngay là xác máy bay
“Thật khó tả cảm xúc lúc ấy. Sau ba ngày tìm kiếm, thâm tâm đã nghĩ là thua rồi mà lại tìm thấy mảnh nhôm ấy. Mảnh kim loại một đầu nhô lên mặt đất, rêu xanh rì. Phần dưới bị hai miếng đá đè lên. Khi nhấc lên, tôi tin ngay là xác máy bay. Vì có một mặt là tấm hợp kim nhôm, đính vào khung kim loại phía sau bằng những đinh tán, ốc vít rất đặc biệt mà chỉ có thể là thiết bị hàng không” - ông Lê Anh, một người trong nhóm tìm kiếm.
|
NGHĨA NHÂN (Pháp Luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.