Dựng lại chân dung ngôi đình
Đình làng Việt, nơi chứa đựng rất nhiều giá trị như kiến trúc, điêu khắc, giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt... đang bị bỏ quên, có nguy cơ biến mất. Đặc biệt là thời gian gần đây, nhiều di tích bị xâm hại, trùng tu sai, biến dạng, tu bổ kém hiệu quả.
Những giá trị truyền thống phi vật thể của di sản đình làng Việt đang dần tan biến trong chính những vật thể hữu hình đang tồn tại. Chính từ trăn trở này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VHTTDL) đã quyết tâm tổ chức triển lãm “Đình làng Việt – những điều con, mất” tại Hà Nội nhằm thu hút dư luận xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đình làng.
Các hoạt động bổ ích của nhóm Đình làng Việt trong những chuyến điền dã. Ảnh: T.H
Chia sẻ về cuộc triển lãm đặc biệt này, anh Nguyễn Đức Bình cho hay, triển lãm trưng bày khoảng 100 bức ảnh do các thành viên nhóm Đình làng Việt chụp tại các địa phương, chủ yếu là khu vực phía Bắc. Chủ đề triển lãm tập trung vào hai vấn đề chính: “Tinh hoa Đình làng Việt” và “Biến đổi của đình làng Việt”.
Với chủ đề “Tinh hoa Đình làng Việt”, các tác phẩm trưng bày sẽ tập trung đến những nét đặc trưng kiến trúc đình làng, vẻ đẹp của kiến trúc và điêu khắc của những ngôi đình nổi tiếng miền Bắc như Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Phù Lão, Chu Quyến, Đồng Kỵ, An Cố, Hương Canh và không gian văn hóa xung quanh ngôi đình làng Việt. Cùng với đó, các tác phẩm cũng giới thiệu về lễ hội, các phong tục, tập quán của làng xã xung quanh ngôi đình.
Mảng nội dung “Biến đổi của đình làng Việt” sẽ là những cảnh báo về nguy cơ biến mất của những ngôi đình cổ qua thực trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng những giá trị truyền thống do trùng tu sai…
Song song với cuộc triển lãm trên, điều đặc biệt nhất dành cho công chúng là cơ hội được thưởng lãm các hoạt động diễn xướng dân gian như: Trình diễn chèo, ca trù, quan họ, hát xoan… với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân ở các phường xoan xã Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ) và Hội những người yêu thích chèo Hà Nội.
“Vài năm gần đây, mọi người đều biết hát quan họ, ca trù, hát xoan... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thế nhưng lại ít ai biết rằng, chính đình làng là cái nôi nuôi dưỡng các hình thức diễn xướng đó trong suốt nhiều thế kỷ. Bao đời nay, đêm hội làng rộn rã ở sân đình vẫn là những kỷ niệm đẹp đẽ lưu mãi trong ký ức những người dân Việt. Chính vì thế mà chúng tôi quyết tâm tái hiện không gian bên trong ngôi đình sao cho sống động và giống với truyền thống nhất”- nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình tâm sự.
Khơi gợi tình yêu di sản
Chia sẻ về triển lãm, kiến trúc sư trẻ Trần Hiếu - một thành viên của nhóm Đình làng Việt nói: “Dù cũng khá bận rộn với công việc của mình, nhưng em vẫn tham gia hoạt động của nhóm ngay từ ngày đầu nhóm được thành lập trên facebook. Bởi em biết đây là một việc làm hay và ý nghĩa, giúp cho mọi người thấy được vẻ đẹp và giá trị của đình làng, một công trình kiến trúc truyền thống đang dần bị lãng quên trong quá trình đô thị hóa. Hy vọng sau lần đầu tiên “vạn sự khởi đầu nan” này, nhóm sẽ tổ chức được nhiều cuộc triển lãm như thế nữa”.
Còn chị Vũ Mai Thơ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) thì cho hay, những buổi đi điền dã của nhóm Đình làng Việt đã không chỉ giúp các thành viên hiểu thêm về những lĩnh vực khác của đời sống di sản... mà qua đó cả nhóm còn được trải nghiệm về nét văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. “Một điều khiến tôi xúc động và bất ngờ ở nhóm Đình làng Việt là các bạn trẻ đã rất nhiệt huyết tham gia các hoạt động điền dã đó. Bằng những hành động nhỏ như ghi chép, tìm hiểu thông tin về mái đình, nhặt sạch rác sau mỗi chuyến tham quan đã thể hiện rằng các bạn rất yêu và tự hào về di sản” - chị Vũ Mai Thơ chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Đức Bình, mong muốn hoạt động lâu dài của nhóm Đình làng Việt là tạo lập quỹ hỗ trợ công tác bảo vệ di sản mỹ thuật truyền thống nhằm kịp thời giúp di tích chống xuống cấp, từ đó sẽ tổ chức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong công tác đi điền dã đình làng. “Chúng tôi sẽ đứng ra lo tài trợ việc đi lại, tổ chức, người hướng dẫn giới thiệu... các em trong những chuyến đi điền dã. Có thể nói đây sẽ là một hoạt động bổ ích, thực chất hơn trong học tập ngoại khóa, bởi ngoài chuyện các em tìm hiểu về di sản văn hóa của cha ông, thì đó còn là hoạt động gìn giữ, và khơi gợi tình yêu di sản đối với thế hệ trẻ” - anh Bình tâm sự.
Được biết sau Sự kiện Đình làng Việt – Những điều còn mất, nhóm sẽ tiến hành tổ chức triển lãm lưu động tới một số trường học để tuyên truyền trực tiếp về di sản tới các bạn trẻ. Đồng thời nhóm Đình làng Việt đang chuẩn bị sưu tầm tư liệu để xuất bản sách giới thiệu về Đình làng Việt. Hoạt động được ấn định vào dịp cuối năm là nhân Ngày Di sản Việt Nam 23.11, nhóm Đình làng Việt sẽ có một cuộc triển lãm về “Đình Xứ Đoài” tại Hà Nội.
Triển lãm “Đình làng Việt – những điều còn, mất” diễn ra từ ngày 8.8 đến ngày 22.8 tại Heritage Space – Dolphin Plaza, Mỹ Đình, Hà Nội. Triển lãm bao gồm những hoạt động như: Trình diễn chạm, khảm của các nghệ nhân từ các làng nghề truyền thống Chàng Sơn, Đồng Kỵ; Hát xoan Phú Thọ; Tọa đàm “Vai trò của báo chí truyền thông trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản”; Tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng nhân dân”; Tọa đàm Đình làng Việt - Những điều còn - mất...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.