Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải cho rằng, hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 – 50% giá thành vận tải nên khi giá xăng, dầu giảm các DN buộc phải tính toán để giảm giá cước tương ứng. Việc giảm cụ thể bao nhiêu sẽ được thị trường vận tải quyết định. Trong “cơn lốc” giảm giá nhiên liệu, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái gây sức ép để các DN vận tải tính toán giá thành hợp lý. Thậm chí, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, bổ sung Nghị định 177/2013 nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải ô tô. Cụ thể, cần bổ sung cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể theo dõi, quản lý và bình ổn khi cần.
Giá cước vận tải hành khách chưa giảm như mong đợi của người dân.
Hiện việc quyết định giá cước vận tải như thế nào hoàn toàn thuộc quyền của DN. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định, rà soát, kiểm tra giá thành vận tải của các DN nhằm đề nghị DN tính toán hợp lý giá cước vận tải. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Các cuộc kiểm tra vừa qua, DN đều đồng tình và giải trình với cơ quan quản lý để thấy giá thành vận tải như thế nào là phù hợp”.
Với việc giá xăng giảm liên tục thời gian qua, dịp nghỉ tết dương lịch sắp tới cũng chưa xuất hiện trường hợp DN vận tải đề nghị tăng giá vé như những năm trước. Ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: “Từ tháng 11 đã có 20 đơn vị vận tải hoạt động tại bến giảm giá cước từ 6 – 16%. Trong dịp cao điểm tết dương lịch sắp tới, chưa có DN nào đề nghị tăng giá vé”. Tương tự, đại diện Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) cũng cho biết không có đơn vị nào đăng ký tăng giá vé đợt cao điểm như những năm trước. Ở Bến xe Mỹ Đình đã có 30 DN vận tải giảm giá cước ở mức trung bình 7%. Theo đánh giá chung, các mức giảm giá cước vận tải này chưa tương xứng với giá xăng dầu đã giảm thời gian qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.