Giá xăng giảm, giá hàng hóa đứng yên: Chờ sự can thiệp của Nhà nước

Mai Hương Thứ năm, ngày 25/12/2014 09:24 AM (GMT+7)
Thời buổi kinh tế thị trường không thể áp đặt giá lên các loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, với diễn biến giá xăng dầu giảm mạnh như hiện nay mà giá cả nhiều loại hàng hóa dịch vụ vẫn không chịu giảm hoặc giảm không đáng kể thì giải pháp “mệnh lệnh hành chính” có lẽ phải được đặt ra.
Bình luận 0

Đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giá cả về vấn đề đang nóng của giá xăng dầu, hàng hóa trên thị trường hiện nay.

Giảm giá lấy lệ

Đến thời điểm này, có thể khẳng định việc để cho doanh nghiệp tự nguyện giảm giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu là điều không thể.

img
Đến thời điểm này, giá hàng hoá tiêu dùng trên thị trường không hề giảm theo giá xăng.   Ảnh:  L.H.T
Giá xăng dầu chiếm khoảng 35-50% giá thành vận tải do vậy khi xăng dầu giảm giá mạnh như vậy không có lý gì để giá vận tải không giảm. Song thực tế thì đúng là các doanh nghiệp vận tải không giảm hoặc chỉ giảm giá cước lấy lệ.

 

Tương tự, giá hàng hóa tại hầu hết các siêu thị, chợ cũng không nhúc nhích. Ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, hàng hóa thiết yếu bán tại các siêu thị của Hà Nội đều không giảm, thậm chí có mặt hàng còn tăng. Giá thịt, rau củ quả còn đắt hơn tại các chợ truyền thống, giá 1 cây súp lơ vẫn lên 15.000 đồng/cái, thịt gà đùi 120.000 đồng/kg… là quá cao so với chi phí sản xuất, vận chuyển; giá thịt bò, trứng và đồ khô... cũng không hề nhúc nhích. Siêu thị tại Hà Nội bán trứng tới 4.800-5.000 đồng/quả, không giảm giá suốt cả năm nay. “Chúng tôi rất muốn giảm giá cho người tiêu dùng nhưng không thể được vì nhà cung ứng không giảm...”- ông Phú nói.

Có thể thấy, hiện tại cứ ngành nọ nhìn ngành kia để “neo” giá hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thì bảo khó đề nghị được doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận chuyển, do đó khó giảm giá hàng hóa cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp vận tải thì kêu do bị áp việc giảm tải khi lưu thông khiến vận tải đắt đỏ; thuế má, chi phí quản lý lại cao nên cũng không thể giảm giá cước. Các hãng taxi thì kêu các chi phí như thay đồng hồ, bảo hiểm xe, các loại thuế phí, kiểm tra sức khoẻ định kỳ xe… đang tăng nên taxi chưa thể giảm giá cước.

Một doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho biết, họ không ép được doanh nghiệp vận tải giảm giá, bởi trước đây khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) siết chặt xe quá tải, cước phí vận tải đã tăng lên đến 20 - 30%. Vì vậy, nhìn chung các doanh nghiệp vận tải sẽ chưa vội trong vấn đề giảm giá cước.

Dùng biện pháp hành chính

Bộ Tài chính và Bộ GTVT mới đây lại một nữa phải ra văn bản yêu cầu các sở tài chính địa phương và ngành GTVT đốc thúc doanh nghiệp phải giảm giá cước theo giá xăng dầu, nếu giảm chậm thì cần xử phạt.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy bao giờ giá vận tải và giá cả hàng hóa nói chung sẽ giảm nếu cứ ra chỉ thị suông? Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì sao? Không lẽ cơ quan quản lý nhà nước bó tay để người tiêu dùng chịu thiệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu bản thân các doanh nghiệp không tuân thủ quy luật của thị trường thì Nhà nước cũng cần có một biện pháp hành chính nào đó, kể cả khi cộng đồng doanh nghiệp không thích Nhà nước dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào công việc kinh doanh của họ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng chia sẻ: Nhà nước có thể cân nhắc đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá. Sau một thời gian, nếu giá ổn định hơn thì có thể xem xét đưa ra ngoài danh mục. “Chúng ta cần áp dụng biện pháp hành chính một thời gian để “trị” con ngựa bất kham giá cả hiện nay”- ông Long nói.

Đầu tháng 12, Bộ GTVT cũng từng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để tăng cường quản lý giá cước. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa chấp thuận đề xuất này vì cho rằng, theo quy định tại Điều 15 của Luật Giá thì giá cước vận tải không nằm trong danh mục nhà nước bình ổn về giá.

Bên cạnh đó, vận tải ô tô hiện nay đang có sự cạnh tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp vận tải, giá cước vận tải ô tô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh bằng cách hạ giá cước vận tải để thu hút khách hàng.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường. “Chúng ta có thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống nhưng không thể áp dụng lâu dài”- vị này khẳng định.

  Ông Nguyễn Anh Tuấn -Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính):
Hiện các địa phương vẫn tiếp tục thanh- kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết, cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi 3 bên giữa doanh nghiệp - nhà nước - người tiêu dùng. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ trì cuộc họp về kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải tại cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam để đánh giá việc thực hiện quản lý giá cước trong thời gian qua.

Kiểm tra kê khai giá cước vận tải

Bộ GTVT vừa có công điện gửi các địa phương đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn. Qua đó, liên ngành sẽ yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.

Minh Phong


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem