Cuộc vượt ngục kỳ lạ của tù binh Liên Xô bằng chính máy bay Đức

Thứ bảy, ngày 01/08/2020 08:35 AM (GMT+7)
Đó là điều tưởng chừng như không thể xảy ra, vậy mà Trung úy phi công Mikhail Devyatayev cùng đồng đội của mình đã đánh cắp hẳn một máy bay ném bom để trốn thoát khỏi trại tù phát xít Đức và trở về Liên Xô.
Bình luận 0

Cuộc vượt ngục và số phận oan nghiệt của Mikhail Petrovich Devyatayev đã khiến trung úy phi công này không những nổi tiếng khắp Liên Xô hàng chục năm sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kết thúc mà những thông tin ông có được trong thời gian bị phát xít Đức bắt giam còn đóng góp rất lớn cho việc Liên Xô phóng tàu vũ trụ đưa con người trinh phục không gian sau này.

Cuộc vượt ngục kỳ lạ của tù binh Liên Xô bằng chính máy bay Đức  - Ảnh 1.

Thượng uý Anh hùng Liên bang Sô viết Mikhail Petrovich Devyatayev. Ảnh: Alrcrew.

Sinh ra vào năm 1917 tại Mordovia, Liên Xô, Devyatayev vốn chỉ là con một người nông dân nghèo và ban đầu, ông được đào tạo để trở thành… thuyền trưởng lái tàu trên sông Volga. Cuối năm 1938, Devyatayev gia nhập quân đội và ông được chọn để theo học tại trường Không quân Chkalov. Hai năm sau vào năm 1940, ông tốt nghiệp.

Đường binh nghiệp của Devyatayev bằng phẳng cho tới khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra. Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, ông là một trong những người đầu tiên bắn hạ máy bay Đức vào ngày 24/6/1941 – chỉ hai ngày sau khi Đức tung chiến dịch quân sự khổng lồ lớn nhất lịch sử nhằm chiếm đóng Liên Xô.

Tới cuối tháng 9 cùng năm, ông bị thương nặng ở chân trái sau màn "đấu súng" với tiêm kích Đức trên bầu trời Liên Xô. Vết thương nặng đã khiến Mikhail Devyatayev không thể lái được tiêm kích và sau khi bình phục, ông được chuyển sang điều khiển máy bay ném bom và cuối cùng, tình hình sức khoẻ yếu đi khiến ông phải chuyển sang làm phi công lái máy bay vận tải.

Tới cuối năm 1944, sau một thời gian dài nhàm chán với các phi vụ vận tải vốn không có gì đặc sắc, Devyatayevtìm cách quay trở lại lái tiêm kích và ông đã trực tiếp đề nghị điều này với Nguyên soái Không quân Liên Xô tướng Aleksandr Pokryshkin. Ngay sau đó, lời đề nghị của Devyatayev đã được đáp lại và ông quay trở lại vai trò phi công tiêm kích với vị trí chỉ huy phi đội. Trong ngày đầu ra mắt, viên phi công này đã tiêu diệt 9 máy bay của đối phương.

Cuộc vượt ngục kỳ lạ của tù binh Liên Xô bằng chính máy bay Đức  - Ảnh 2.

Tiêm kích Liên Xô đang nã đạn vào máy bay ném bom Đức ở mặt trận phía Đông trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh; Nzhistory.

Số phận của Devyatayev một lần nữa trêu ngươi ông khi chỉ hai tháng sau khi trở thành phi công tiêm kích, ông đã bị bắn hạ và bị bắt làm tù binh. Người Đức chuyển ông tới trại tập trung Lodz trên đất Ba Lan, vào cuối tháng 8, chỉ hơn một tháng sau khi bị bắt giữ, Devyatayev thử vượt ngục lần đầu tiên nhưng không gặp vận may và bị bắt lại ngay sau đó. Sau khi bắt lại được Devyatayev, người Đức chuyển ông tới trại tập trung an ninh cao hơn mang tên Sachsenhausen.

Với trình độ và kinh nghiệm lái đủ mọi loại máy bay của mình, Devyatayev được chuyển tới trại tập trung Peenemuden trên đảo Usedom ở biển Baltic và được tham gia vào chương trình tên lửa của Đức quốc xã. Ban đầu, bản thân Devyatayev tỏ thái độ không muốn hợp tác nhưng càng về sau, khi được tiếp cận với các tài liệu tên lửa của Đức ông càng muốn tìm hiểu và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt trước khi tìm được cách đào thoát cùng đống tài liệu hoặc ít nhất mang được chút ít thông tin trong trí nhớ của mình về cho phía Liên Xô.

Tháng 2/1945, Devyatayev chỉ huy một nhóm tù binh Liên Xô cướp một máy bay ném bom Heinkel He 111 của Đức trên đảo Usedom để đào tẩu. He 111 khi đó vừa là loại máy bay vận tải vừa là loại máy bay ném bom được Đức sử dụng từ đầu chiến tranh và may mắn thay, Devyatayev đã từng có kinh nghiệm lái đủ mọi loại máy bay của Liên Xô nên ông thừa kỹ năng để điều khiển chiếc máy bay ném bom Đức này.

He 111 cũng nổi tiếng là loại máy bay bền bỉ và nó dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của Đức khi bị cố bắn chặn. Theo lời Devyatayev kể lại, ông chỉ nhận ra đã bay về đến địa phận do Liên Xô kiểm soát sau khi… bị hoả lực phòng không của Hồng quân hỏi thăm với mật độ và "chất lượng" cao hơn nhiều hoả lực phòng không của người Đức.

Khi trở về, dù không mang được bất cứ tài liệu nào nhưng các kiến thức về tên lửa V-1 và V-2 cũng như chương trình nghiên cứu tên lửa của Phát xít Đức mà Devyatayev nắm được đã được phía Liên Xô thu thập và tận dụng.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy, câu chuyện vượt ngục khó tin của Devyatayev không thuyết phục được Cơ quan An ninh Liên Xô. Cơ quan này cho rằng Devyatayev đã hợp tác với người Đức, vụ vượt ngục chỉ là dàn dựng và có vẻ như Đức muốn cài cắm Devyatayev quay trở lại quân đội Liên Xô với mục đích tình báo.

Devyatayev bị bắt giam ngay sau đó và bị mang ra toà án binh xét xử. Ông chỉ được xét trắng án sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai chính thức kết thúc và Nhật Bản cũng đầu hàng Mỹ vào cuối mùa hè năm 1945.

Cuộc vượt ngục kỳ lạ của tù binh Liên Xô bằng chính máy bay Đức  - Ảnh 3.

Trung úy phi công Devyatayev cùng chiếc phi cơ vận tải kiêm ném bom He 111 của Đức được ông sử dụng làm phương tiện đào tẩu. Ảnh: Bashny.

Nỗi oan thấu trời của Devyatayev đã là chủ đề cho báo chí Liên Xô cũng như thế giới khai thác suốt những năm sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiều người hoài nghi nhưng cũng có nhiều người cho rằng câu chuyện của Devyatayev là thật, ít nhất thì cũng không có bất cứ tài liệu nào về việc cài ngược điệp viên hay vụ dàn dựng công phu được phía Đức lưu lại trong hồ sơ của họ.

Cho tới tận năm 1957, Devyatayev mới được giải oan bởi Tổng công Trình Sư Viện sĩ Sergey Korolyov – người đứng đầu chương trình vũ trụ Liên Xô thời bấy giờ. Theo Korolyov, những thông tin và kiến thức về chương trình tên lửa thời Phát xít Đức được Devyatayev mang về là chìa khoá cực kỳ quan trọng với chương trình vũ trụ của Liên Xô sau này.

Ông Korolyov cho rằng, nếu giả định Devyatayev là một điệp viên làm việc cho Đức, phía Đức chắc chắn sẽ không để Devyatayev mang những thông tin quý giá tới như vậy về Liên Xô cho dù điều đó có thể tạo nên một vỏ bọc hoàn hảo cho ông. Thực tế thì chương trình tên lửa của Đức đã đi trước phần còn lại của thế giới nhiều năm và kể Devyatayev được trang bị các kiến thức đi trước thời đại đó làm vỏ bọc thì vỏ bọc của ông cũng phải mất… vài năm mới có tác dụng vì trước đó, các thông tin này rất khó kiểm chứng và không nhiều nhà khoa học Liên Xô hiểu rõ được nó.

Ngày 15/8/1957, Devyatayev chính thức được giải oan hoàn toàn, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô viết về những đóng góp của mình cho chương trình vũ trụ, báo chí một lần nữa đào sâu vào cuộc vượt ngục thần kỳ của ông và những người đồng đội của mình. Bản thân Devyatayevsau khi trở thành Anh hùng Liên Xô đã quay trở về cuộc sống trước chiến tranh của mình, trở thành người lái tàu trên sông Volga và không bao giờ quay lại với vị trí phi công thêm một lần nào nữa.

Tuấn Anh (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem