Bắt chẹt khách hàng
Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội, trung bình giá xe của hãng Honda tăng lên từ 3 - 6 triệu đồng trong vòng một tháng qua. Đầu tháng 11, Honda Lead có giá khoảng 35 triệu đồng, cuối tháng 11 là 37 triệu đồng và tại thời điểm này là gần 39 triệu đồng.
|
Xe được bày bán ra cả làn đường dành cho người đi bộ. (Ảnh chụp tại Đà Nẵng). |
Mẫu xe PCX có giá 50 triệu đồng, nhưng cũng chỉ là giá trên giấy tờ, còn trên thực tế, các showroom của Honda không còn hàng để bán. Honda WaveS giữa tháng 12 còn có giá 17,5 triệu, vậy mà thời điểm này lên 19 triệu đồng.
Tại Đà Nẵng, một đại lý trên đường Hùng Vương cho biết, khách mua đang tăng gấp 3 lần bình thường nên giá cũng tăng theo. Giá xe Air Blade do Hãng Honda Việt Nam đưa ra chỉ 32,9 triệu đồng, nhưng tại đây giá thực tế tới 42 - 44 triệu đồng. Còn dòng xe Honda Lead hiện giá công ty là 31,9 triệu đồng/chiếc, nhưng bên ngoài thị trường xe đến tay người tiêu dùng luôn ở mức 40 - 43 triệu đồng/chiếc.
Đối với dòng xe PCX vừa được Honda tung ra thị trường đang tạo cơn “sốt” thì giá bán tại các cửa hàng dao động từ 75-80 triệu đồng/chiếc, cao hơn so với giá Honda Việt Nam đưa ra khoảng 25 - 30 triệu đồng/chiếc (?)
Tại cửa hàng Head Hồng Đức 5 ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang giá bán xe máy cao hơn rất nhiều. Cụ thể xe máy Honda Lead màu ánh vàng tại cửa hàng giá trên 35 triệu đồng, trong khi đó giá chính hãng chỉ 32.490.000 đồng...
Ma trận về giá
Một nhân viên thuộc công ty tư vấn ngành thuế cho biết, thực chất các chính sách về thuế không là nguyên nhân gây nên "việc loạn giá". Mỗi loại xe sẽ áp dụng 1 khung thuế. Như vậy, dù là Yamaha, hay Honda, hay Suzuki sẽ có mức giá cụ thể. Do vậy, thuế không làm cho giá xe nhảy múa. Việc giá xe tăng cuối năm và tình trạng mỗi nơi một giá chỉ là do những người kinh doanh tranh thủ đẩy giá lên, do nguồn cung không đổi mà nguồn cầu tăng.
Hiện đang diễn ra tình trạng các cửa hàng đại lý bán cho khách hàng một giá, rồi kê khai với cơ quan thuế một giá thấp hơn để ghi vào hóa đơn. Tình trạng này đang khiến người tiêu dùng bị thiệt đơn thiệt kép trong khi các doanh nghiệp thì ngày một hưởng lợi nhiều hơn.
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy, giá xe tăng cao như trên là do tác động của tỉ giá, lãi suất ngân hàng liên tục biến động tăng thời gian gần đây. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu trừ các phần tác động của tỉ giá, lãi suất, sau đó đem so sánh với giá xe bên ngoài thị trường hiện nay vẫn cao hơn rất nhiều.
Điều này cho thấy, trên thị trường xe gắn máy hiện nay đang xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa”, đẩy giá để móc túi khách hàng của một số cửa hàng kinh doanh xe gắn máy, trong đó có sự tiếp tay của các nhà sản xuất, đại lý xe máy chính hãng.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, đa số hãng sản xuất xe gắn máy chỉ đưa ra giá bán cho đại lý cấp 1 nhưng không khống chế giá bán ra trên thị trường. Chính điều này đã tạo điều kiện để các đại lý kinh doanh xe gắn máy tung hoành về giá, đặc biệt đối với các dòng xe mà người tiêu dùng đang “chuộng” như PCX, Air Blade… của Honda Việt Nam.
Phương Hà - Vân Anh - Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.