Cuối năm, thị trường tiếp tục hưởng lợi nhờ… tiền rẻ
Cuối năm, thị trường tiếp tục hưởng lợi nhờ… tiền rẻ
Nguồn Thế Giới Tiếp Thị
Thứ hai, ngày 23/11/2020 09:17 AM (GMT+7)
Lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng hiện nay vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục quanh 0,1%, các kỳ hạn 1-2 tuần cũng chỉ quanh 0,2%. Hệ thống thừa tiền là diễn biến xuyên suốt trong nhiều tháng qua, dù mọi năm thời điểm này các ngân hàng (NH) thường đối mặt với áp lực thanh khoản.
Trong bối cảnh đó, người dân, doanh nghiệp đang chờ đợi có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trước cuối năm nay, ôm hy vọng tiếp tục hưởng lợi nhờ tiền rẻ.
Giảm sâu
Trong nửa đầu tháng 11 này, một loạt NH tiếp tục giảm thêm khung lãi suất tiền gửi. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, theo đó, gửi tiền kỳ hạn 6-9 tháng nhận lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm về 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Các mức lãi suất mới này đã giảm từ 0,2 - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10 vừa qua.
Ở khối NHTMCP, ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… cũng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, MB có mức điều chỉnh giảm mạnh nhất, với mức giảm từ 0,15-1,9%/năm. Trước đó, đầu tháng 10/2020, các ngân hàng cũng đã có đợt giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, đặc biệt một số ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức trần hiện nay ở 4%/năm.
Động thái trên đưa đến kỳ vọng nhà điều hành sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong thời gian còn lại của năm nay, khi mà mức trần lãi suất tiền gửi hiện nay đã không còn bám sát thị trường. Thống kê cho thấy chỉ còn 3/35 NH là vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở kịch trần 4%, mức thấp nhất được ghi nhận là ở 2,85%, còn hầu hết phổ biến ở 3 - 3,5%.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu vẫn đang tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, như là cách vừa để hỗ trợ kinh tế chống chọi với đại dịch Covid 19, vừa tránh đồng nội tệ bị tăng giá so với các đồng tiền khác, Việt Nam cũng khó nằm ngoài xu hướng chung. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất, với trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm đến 1%, tuy nhiên mức giảm đó cũng chỉ ở mức trung bình so với các NHTW khác trên toàn cầu. Đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dù chỉ có 2 lần giảm lãi suất cơ bản USD trong tháng 3 nhưng tổng mức giảm đã lên đến 1,5%.
Ngoài ra, với dòng ngoại tệ đổ vào trong nước vẫn tăng mạnh, từ thặng dư thương mại, kiều hối đổ về cuối năm, cho đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, NHNN có điều kiện để tiếp tục mua thêm ngoại tệ, đồng nghĩa với tăng thêm cung tiền đồng, cũng là điều kiện quan trọng hỗ trợ cho động thái giảm thêm lãi suất điều hành.
Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6% vào năm 2021, dù năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 2,5%, nên khả năng cần phải duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho năm sau, do đó một động thái giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm nay đang được mong đợi.
Nhiều lĩnh vực hưởng lợi
Nếu lãi suất tiếp tục giảm, chứng khoán được lợi nhất là điều có thể thấy rõ, nhất là triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn tích cực. Với lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục đi xuống mức thấp hơn, kênh tiền gửi ngân hàng ngày càng kém hấp dẫn nên dòng vốn sẽ tiếp tục chạy đến những kênh đầu tư khác.
Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 10 phần nào phản ánh xu hướng dịch chuyển vốn rõ rệt. Theo thống kê từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 10 là 36.346 và 105 tài khoản mở mới từ các tổ chức, đưa tổng số tài khoản mới mở từ đầu năm đến nay lên tới gần 290.000 tài khoản. Tính đến cuối tháng 10, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,67 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam, ngày càng gần với mục tiêu 3% đặt ra.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng lãi suất tiền gửi giảm thêm chưa chắc đã kéo lãi suất cho vay giảm tiếp, khi đó doanh nghiệp vẫn khó có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, nên mục tiêu bơm tiền thúc đẩy kinh tế không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Quan điểm này không phải là không có cơ sở, khi mà trong tháng 10 vừa qua đã diễn ra một đợt giảm lãi suất cho vay khá sâu rộng, đánh dấu đợt giảm lần thứ 3 kể từ đầu năm đến nay, dù tốc độ giảm vẫn chậm hơn lãi suất huy động. Đặc biệt, trong bối cảnh cầu tín dụng cuối năm gia tăng cũng có thể kìm hãm đà giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, nếu có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành sẽ giúp chi phí phí vốn của các NH thấp hơn, từ đó có thể thúc đẩy các NH tiếp tục rót vốn vào trái phiếu Chính phủ như một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh rủi ro cao độ như hiện nay. Thực tế từ đầu năm đến nay, số dư TPCP của nhiều NH đã tăng mạnh bất chất lợi suất trên thị trường TPCP đi xuống, khi mà chi phí vốn của những nhà băng này thậm chí còn giảm mạnh hơn sau các đợt điều chỉnh giảm lãi suất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.