Cuối tháng 4 sẽ thoát "thẻ vàng" của EU, thủy sản XK đạt 9 tỷ USD

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 19/01/2018 06:21 AM (GMT+7)
Với kim ngạch xuất khẩu trên 8,3 tỷ USD, ngành thủy sản trở thành “quán quân” xuất khẩu nông nghiệp 2017. Năm nay, với quyết tâm khai phá thị trường mới, áp dụng công nghệ cao, ngành thủy sản hứa hẹn sẽ cán mốc 9 tỷ USD.
Bình luận 0

Trao đổi với NTNN, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết:

- 2017 là năm thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 8,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2016. Giá trị sản xuất và sản lượng đều tăng, góp phần đưa thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp trong năm qua.

Kết quả đạt được như vậy, điều đầu tiên là ngành đã làm tốt sản xuất trong nước, đặc biệt đối với sản phẩm tôm, cá tra và hải sản. Năm 2017 chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh đối với tôm, cá tra và kiểm soát tốt dư lượng hóa chất kháng sinh, chất lượng giống, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đồng thời kiểm soát tốt vật tư đầu vào nên đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đồng thời, chúng ta làm tốt công tác thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật. Chúng ta đấu tranh với Mỹ và những bôi nhọ của thị trường châu Âu đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chúng ta mở rộng thị trường Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông, nên hạn chế được phần nào những khó khăn đến từ thị trường Mỹ, EU.

Tựu trung lại, năm 2017 chúng ta đã làm đồng bộ các giải pháp, trong đó có cả những nỗ lực của nông ngư dân, sự năng động của doanh nghiệp. Những nỗ lực này đã góp phần tạo nên một năm tăng trưởng tốt của ngành thủy sản và đã được lãnh đạo Bộ NNPTNT ghi nhận.

img

 Ngành thủy sản hứa hẹn sẽ cán mốc 9 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. ảnh: Internet

Tôi tin tưởng rằng với đội ngũ nông - ngư dân năng động, sáng tạo, với nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, với những hành động quyết liệt của Bộ NNPTNT, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức để phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản trong năm 2018 thuận lợi”. 
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám

Tháng 10.2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam, thời hạn 6 tháng đang đến gần, vậy ngành thủy sản có những hành động gì để gỡ bỏ thẻ vàng, vượt qua giai đoạn khó khăn này, thưa ông?

- Vừa qua, cùng với Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng ra Chỉ thị 45 về những giải pháp cấp bách để sớm thoát khỏi thẻ vàng trong vòng 6 tháng, tức trước 23.4.2018. Bộ NNPTNT sau khi tham mưu cho Thủ tướng ra chỉ thị đã lập tức xây dựng kế hoạch hành động, đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp. Một là nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, trên cơ sở Luật Thủy sản, chúng ta đã sửa một số quy đinh trong đó có chế tài làm sao đáp ứng được 9 khuyến nghị của EC.

Chúng ta cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực nhận thức, tập huấn cho ngư dân, chủ tàu, các doanh nghiệp cũng như hệ thống quản lý nhà nước về khai thác thủy sản để họ nâng cao năng lực nhận thức nguy cơ của thẻ vàng ảnh hưởng đến uy tín, doanh dự sản phẩm hải sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, tập trung vào các hành động thực tế của ngư dân, chủ tàu khai thác, đảm bảo các yêu cầu như ghi nhật ký, lắp thiết bị giám sát hành trình, nộp báo cáo cho cơ quan quản lý cảng cá và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để chống đánh bắt bất hợp pháp, và chứng nhận các lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của EU và các thị trường khác. Ban quản lý cảng cá, các cơ quan quản lý nhà nước phải cử người xuống tận cảng để cùng giám sát với cơ quan quản lý cảng, cũng như kết nối thiết bị giám sát trên tàu cá để theo dõi 24/24 giờ đối với các tàu từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ, đặc biệt đối với các tàu trên 24m phải lắp thiết bị giám sát tự động để kiểm soát.

Nhóm giải pháp cuối cùng là tập trung mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trong đó có việc đàm phán cấp cao với EC, cùng EC rà soát lại 9 nhóm khuyến nghị của EC để cố gắng sau 23.4.2018 EC sẽ đánh giá những chuyển biến của chúng ta và bỏ rút thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác nghề các đối với các nước trong khu vực ASEAN, các quốc đảo Thái Bình Dương, các diễn đàn khu vực và quốc tế để lấy lại hình ảnh thủy sản Việt Nam cũng như uy tín trên các diễn đàn quốc tế cùng quan hệ song phương với các nước.

Được biết năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD. Chúng ta cần vượt qua những khó khăn, thách thức nào?

- Để đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ đối diện với rất nhiều thách thức. Thứ nhất là thị trường, luôn luôn có các đối thủ cạnh tranh trên cùng một chủng loại sản phẩm, nên phải liên tục đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng cường chất lượng, đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Thứ hai là phải kiểm soát tốt dịch bệnh và các dư lượng hóa chất kháng sinh. Hiện nay nổi lên vấn đề dư lượng hóa chất kháng sinh, tiêm chích tạp chất  vào tôm cũng như những gian lận khác. Vì vậy, chúng ta phải ngăn chặn và giải quyết triệt để trong năm 2018.

Thứ ba là vấn đề về môi trường cũng như thiên tai. Chúng ta phải ứng phó tốt để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến từ môi trường, thiên tai.

Vậy trong năm 2018, ngành thủy sản sẽ tập trung vào những nhóm giải pháp nào để cán đích thành công?

- Trước hết, chúng ta phải phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2017 cũng như những năm trước, trong đó đặc biệt tập trung vào những giải pháp phát huy lợi thế của thủy sản Việt Nam. Lợi thế trong lĩnh vực khai thác không phải là tăng sản lượng khai thác. Sản lượng khai thác có thể giảm xuống, nhưng giá trị sản lượng khai thác phải tăng lên. Sản lượng khai thác được truy xuất nguồn gốc và minh bạch hơn để đáp ứng yêu cầu chống đánh bắt bất hợp pháp cũng như những quy định IUU.

Những giải pháp cụ thể là tăng cường bảo quản và chế biến sau thu hoạch, kiểm soát tốt cường lực khai thác ven bờ cũng như những nghề làm tổn hại nguồn lợi. Đối với nuôi trồng, tập trung khai thác lợi thế nuôi tôm nước lợ, trong đó tập trung 2 nhóm giải pháp vào hai lĩnh vực. Một là đối với nuôi tôm công nghiệp thâm canh công nghệ cao, Bộ sẽ gặp mặt tất cả các doanh nghiệp nhằm tập trung thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để tăng sản lượng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao và đáp ứng an toàn thực phẩm.

Thứ hai, tập trung khâu giống và giúp các hộ nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là tôm sú. Đây là giải pháp đột phá nhằm nâng năng suất nuôi tôm quảng canh lên, đây là dư địa chúng ta còn rất nhiều. Đối với cá tra, chúng ta tập trung khâu giống và thị trường để thúc đẩy sản xuất cá tra. Ngoài ra, các mặt hàng khác có lợi thế chúng ta cần tiếp tục khai thác.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem