Cuối tuần này, Chính phủ sẽ bàn về “nợ thưởng” hơn 1.400 tỷ đồng

Minh Huệ Thứ tư, ngày 28/09/2016 17:50 PM (GMT+7)
Xung quanh chuyện mới đây tỉnh Long An phải làm văn bản “nhắc” Bộ NNPTNT về việc cấp 49 tỷ đồng tiền khen thưởng nông thôn mới (NTM), ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình xây dựng NTM cho biết, không riêng gì Long An mà T.Ư đang “nợ” thưởng 13 tỉnh.
Bình luận 0

Ông Hồ Xuân Hùng cho biết, hiện Chính phủ đang nợ hơn 1.400 tỷ đồng tiền khen thưởng nông thôn mới (NTM) của nhiều địa phương. Nhiều tỉnh đã phải làm văn bản gửi Bộ NNPTNT và T.Ư để “nhắc” về số tiền này, tuy nhiên do ngân sách gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ chưa bố trí được vốn để trả cho các địa phương.

img

Nông dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tham gia làm đường nông thôn mới. Ảnh: I.T

Theo Quyết định số 1620 ngày 20.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi xã đạt chuẩn NTM được Thủ tướng tặng bằng khen sẽ được thưởng 1 công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng. Huyện được Chính phủ tặng Cờ thi đua, được thưởng công trình phúc lợi trị giá 10 tỷ đồng, đối với địa phương được trao Huân chương lao động, thưởng công trình phúc lợi trị giá 30 tỷ đồng.

Trước đó, theo thống kê của Ban Thi đua khen thưởng T.Ư, hiện Chính phủ đang “nợ” tiền thưởng của 13 tỉnh (30 tỷ đồng/tỉnh), 57 huyện và 521 xã, với tổng số tiền nợ 1.481 tỷ đồng. Cũng theo ông Hùng, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình MTQG xây dựng NTM đã kiến nghị lên Chính phủ xem xét vấn đề nợ tiền thưởng này và Chính phủ đã có chủ trương chi trả dần cho các địa phương.

“Trong cuộc họp của Chính phủ vào cuối tuần này, các vấn đề liên quan đến nợ NTM sẽ được bàn bạc, làm rõ để có phương án giải quyết” – ông Hùng nói.

 Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích số nợ tiền thưởng NTM còn nhỏ hơn nhiều so với số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, các địa phương nợ xây dựng cơ bản đến 52/62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền nợ đọng tính đến ngày 31.1.2016 là khoảng 15.212 tỷ đồng. Ba khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng cao là do nhiều địa phương không có tiền ngân sách, chưa huy động được tiền trong dân nhưng vẫn sẵn sàng đi vay để làm NTM, dẫn tới việc nợ đọng trong thời gian dài và đến nay chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đó cũng là lý do các địa phương đang rất mong đợi khoản tiền thưởng của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem