Cuốn sách của Tổng Bí thư là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong chống "giặc nội xâm"

Lê Thọ Bình Thứ ba, ngày 14/11/2023 06:26 AM (GMT+7)
"Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang gối đầu giường của cán bộ, đảng viên về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"- ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Đưa nội dung chống "giặc nội xâm" vào giảng đường

Thưa ông, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non (cơ sở đào tạo) tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

-Tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực. Vì sao lại nói như vậy? Có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy, nếu không quyết liệt đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTNTC có thể dẫn đến nguy cơ, hệ lụy không thể lường trước được, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Cuốn cẩm nang về PCTNTC: 5 bảo bối của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 1.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vừa rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho xuất bản cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh". Cuốn sách này, có thể nói, là cuốn cẩm nang về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác PCTNTC nói riêng. Cuốn sách này cung cấp, trang bị, nâng cao nhận thức cho cho toàn Đảng, toàn dân về công cuộc PCTNTC hiện nay.

Vì vậy việc đưa công tác PCTNTC vào giảng dạy trong các trường đại học là việc làm cực kỳ quan trọng. Đây là chúng ta đi trước một bước, trang bị kiến thức, lý luận cho sinh viên. Vì sinh viên, thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước. Chính việc trang bị kiến thức, cách tư duy đúng đắn này sẽ giúp cho thế hệ trẻ nhìn nhận một cách đúng đắn hơn không chỉ về chủ trương PCTNTC, mà còn về chủ trương, đường lối của Đảng ta trong xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước XHCN.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, việc Bộ GD&ĐT đưa nội dung PCTNTC vào dạy ở các trường đại học là đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Trong số các tài liệu giảng dạy về PCTNTC từ năm học 2023-2024 có cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của người đứng đầu Đảng ta- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng đây là sự thể hiện quyết tâm sâu sắc hơn, toàn diện hơn về công cuộc PCTNTC của Đảng ta?

-Thực ra không phải bây giờ Đảng ta mới đặt ra vấn đề đấu tranh PCTNTC mà ngay từ khi mới giành được chính quyền Đảng ta đã tiến hành đấu tranh PCTNTC rồi. Bác Hồ đã nói rất nhiều, Bác gọi tham nhũng, tiêu cực là "giặc nội xâm" kia mà.

Tất nhiên, ngày nay cả nhận thức và cả hành động về công tác đấu tranh PCTNTC đều ngày càng được nâng cao hơn. Nhận thức thì đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Hành động cũng từng bước mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đem lại hiệu quả to lớn hơn.

Cuốn sách của Tổng Bí thư, nếu gọi là cuốn cẩm nang về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đúng; mà gọi cuốn cẩm nang về đấu tranh PCTNTC cũng rất đúng.

Cuốn sách của Tổng Bí thư: 5 bảo bối về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ông vừa gọi cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" là cuốn cẩm nang về công tác PCTNTC?

-Trước hết tôi xin nói vì sao tôi lại gọi cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuốn cẩm nang về PCTNTC?

Để cho đơn giản và dễ hiểu thì cẩm nang nó là cái "bảo bối". Nếu ai đã từng đọc "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung (Trung Quốc) thì hình dung ra. Khi một viên tướng của nhà Thục Hán ra trận được Khổng Minh (Gia Cát Lượng) trao cho mấy cái túi (bảo bối) khi nào bí thì mở ra, trong đó đã có kế sách ứng phó với đối phương.

Chúng ta hình dung như vậy, cẩm nang hay bảo bối là như thế. Nó là kế sách vạch sẵn để giải quyết những lúc khó khăn, những giai đoạn PCTNTC cụ thể. Nếu đã đọc, nghiên cứu cuốn sách của của Tổng Bí thư thì chúng ta đều thấy rất rõ, trong cuốn sách đó Tổng Bí thư phân tích, lý giải về công tác PCTNTC, từ nhận thức, lý luận đến tổng kết kinh nghiệm, đề ra những giải pháp rất cụ thể và căn cứ vào đó để cán bộ, đảng viên trau dồi lý luận và có hành động thiết thực.

Bảo bối thứ nhất là Tổng Bí thư làm rõ về mặt lý luận của công cuộc PCTNTC, đưa ra những vấn đề rất cụ thể. Ví dụ, tham nhũng là gì, tiêu cực là gì, vì sao có tham nhũng, vì sao có tiêu cực; nguyên nhân, nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực; những biểu hiện cụ thể của suy thoái đạo đức, tự chuyển hóa, tự diễn biến; tham nhũng, tiêu cực…

Cuốn cẩm nang về PCTNTC: 5 bảo bối của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh PV

-Bảo bối thứ hai là sự lý giải nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư lý giải một cách rất rõ ràng, rất ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu, dễ nhớ. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ đẻ ra tham nhũng và quyền lực càng nhiều thì lại càng dễ nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, nước nào cũng có; nước phát triển, nước chậm phát triển, nước lớn hay nước bé, nước giàu hay nước nghèo, nước một đảng hay nước đa đảng đều có cả.

Quyền lực luôn luôn có xu hướng bị tha hóa. Vì vậy phải có cơ chế hữu hiệu để giám sát quyền lực. Tổng Bí thư đã nói "phải nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế" là thế.

Còn bảo bối thứ ba là tổng kết lại công tác PCTNTC. Từ khi chúng ta tiến hành công cuộc đấu tranh PCTNTC, đặc biệt là thời gian qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương PCTNTC trực thuộc Bộ Chính trị và đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo, thì kết quả ra sao; bằng những con số rất cụ thể: Bao nhiêu vụ án, bao nhiêu bị can bị khởi tố, số tiền thu lại cho NSNN bao nhiêu; những ưu, khuyết điểm cần rút kinh nghiệm trong khi thực thi công vụ là gì...

Bảo bối thứ tư là chỉ ra phương thức, giải pháp PCTNTC. Hiểu nôm na là muốn công cuộc PCTNTC đạt hiệu quả thì cần phải tiếp tục làm gì và làm như thế nào. Công cuộc chống "giặc nội xâm" này vô cùng cam go và phức tạp. Vì vậy Tổng Bí thư đã chỉ ra là phải kiên trì, kiên quyết, làm liên tục, làm không ngừng nghỉ; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; xử lý đúng người, đúng tội; không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội; làm bài bản, lớp lang để trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để công cuộc PCTNTC trở thành xu thế không thể đảo ngược được.

Bảo bối thứ năm là từ tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác PCTNTC để nâng lên thành bài học, lý luận trong công cuộc chống "giặc nội xâm", xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, trường tồn; đất nước ngày càng phát triển phồn vinh.

Thưa ông, về chống "giặc nội xâm", trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết một số tác phẩm như "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí quan liêu"… Nay cuốn sách"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", chính là sự kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

- Có thể nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc, người kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Ông là "Vị Tướng", là Tổng tư lệnh trên mặt trận chống "giặc nội xâm".

Xin cám ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem