Cựu binh gần 30 năm lặng lẽ gác rừng, "vẽ" màu xanh cho quê hương

Thứ bảy, ngày 17/08/2019 07:00 AM (GMT+7)
Ít ai biết rằng vụ cháy rừng xảy ra vào cuối tháng 6/2019 vừa qua ở khu rừng đầu nguồn xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) nhanh chóng được dập tắt có phần góp công không nhỏ của ông Hồ Sỹ Di (62 tuổi, ở thôn Thượng Phú), một cựu binh già với gần 30 năm lặng lẽ gác rừng.
Bình luận 0

Chúng tôi đến tìm ông Hồ Sỹ Di trong một buổi chiều cuối hè, khi một phần cánh rừng trong vụ cháy hồi tháng 6 đang dần hồi sinh. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ ẩn mình trong vườn cây ăn quả xanh mát nằm ngay ngõ vào khu rừng thông mấy chục năm tuổi. Chờ mãi ông Di mới xuất hiện. Bộ đồ lấm lem bụi, ông vừa rẽ rừng đi ra với dáng vẻ tất bật nhưng nụ cười rạng rỡ trên môi.

Vừa dùng rựa phát đường băng phòng cháy, ông vừa kể câu chuyện canh rừng cho chúng tôi nghe. Trong khu rừng thanh vắng xen lẫn tiếng sột soạt từ cây rựa, giọng người lính già mộc mạc mà đầy hào sảng kể về những tháng năm “nếm mật nằm gai” với rừng.

img

Ông Di vừa rẽ rừng đi ra với dáng vẻ tất bật nhưng nụ cười rạng rỡ trên môi

Sau hơn 7 năm phục vụ trong quân đội (1975 - 1982), ông phục viên trở về quê hương. Từng tốt nghiệp Trường Quân chính Quân khu 4 (nay là Trường Quân sự Quân khu 4), rồi làm cán bộ huấn luyện tân binh ở Sư đoàn 442, trở về, ông được chính quyền địa phương giao nhiều trọng trách quan trọng như bí thư đoàn xã, trực Đảng…

Năm nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, chứng kiến người dân lần lượt kéo nhau vào Nam làm kinh tế mới, ông trăn trở: “Quê mình rừng vốn là điểm tựa, ai cũng ăn rừng, ngủ rừng, vậy tại sao nghèo vẫn hoàn nghèo?”

Rồi ông chợt nhận ra nguyên nhân sau khi đi khảo sát thực địa các khu rừng trên địa bàn. Nhìn hàng chục héc-ta rừng đầu nguồn bị người dân "vặt trụi" lấy chất đốt, chỉ còn lại đất trống khô cằn, sau nhiều thời gian suy nghĩ, năm 1992, ông quyết định xin nghỉ việc, lên nhận khai hoang trồng rừng và chăn nuôi ở khu vực Cụp Miệu, Dốc Đỏ thuộc xã Hồng Lộc (phía Nam núi Hồng Lĩnh).

img

Ông Di đã biến vùng đất trọc thành khu rừng xanh tốt

Thời điểm đó ai cũng cho ý tưởng mô hình kinh tế trang trại vườn rừng của ông là viễn vông. Mặc dù vợ phản đối, bạn bè ngăn cản nhưng với ý chí tôi luyện trong quân ngũ, ông không quản vất vả một mình lên núi lập trại và tiến hành thực hiện ý tưởng biến vùng đất trọc thành khu rừng xanh tốt, mang lại lợi ích không chỉ cho mình mà cho cả quê hương.

Ông kể, trồng rừng đã khó, nhìn người dân phá rừng mà không ngăn cản được thật khó muôn phần. Chính vì ý thức được giá trị của rừng và tình yêu tha thiết với nó mà năm 1994, khi chứng kiến khu rừng “chảy máu”, ông về xã trình bày tình hình và xin tự ứng cử để được bảo vệ khu rừng. Vậy là từ đó ông trở thành người bảo vệ rừng đầu tiên của xã Hồng Lộc.

Công việc không lương mà như cách ông nói chỉ được nhận “giấy sản lượng” (do HTX Hồng Sơn ghi nợ trả lúa cho công bảo vệ 45 ha rừng). HTX gặp khó khăn nên đã nợ ông hơn 10 năm thù lao nhưng người cựu binh này cảm thấy rất vui bởi đã được “danh chính ngôn thuận” đấu tranh bảo vệ rừng.

img

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ ẩn mình trong vườn cây ăn quả xanh mát nằm ngay ngõ vào khu rừng thông

Mạnh mẽ và kiên trì bằng “nghệ thuật” như cách ông nói, hễ ở đâu có người chặt phá là ông xuất hiện, từ “nhu” thuyết phục đến “cương” cảnh cáo tịch thu dụng cụ, hoặc khống chế. Với cách làm đó, người dân dần ý thức được việc phá rừng là vi phạm pháp luật. Bởi vậy, sau một thời gian trồng mới và bảo vệ, khu rừng nơi ông cai quản dần hồi sinh.

Bảo vệ rừng dưới sự tác động của con người đã khó, trước sự đe dọa của thiên tai còn khó hơn. Đó là nạn cháy rừng vào mùa nắng nóng. Cuộc chiến với hỏa hoạn là một cuộc chiến đầy gian nan, thách thức và nguy hiểm. Ông Di kể vào những năm 1996, 1997, người dân chưa có ý thức về giá trị rừng nên mỗi khi cháy rừng chỉ có những người như ông và cán bộ kiểm lâm đi cứu rừng mà thôi.

Kỷ niệm mà ông nhớ mãi là vụ cháy năm 1997, phát hiện cháy rừng ở khu vực Ba Khe nằm sâu trong núi vào lúc 3 giờ chiều, ông và một cán bộ kiểm lâm vội vàng lên đường. Cả khu rừng chỉ có 2 anh em, khẩn trương, miệt mài bất chấp nguy hiểm mở đường băng cô lập đám cháy mãi đến 10 giờ đêm mới khống chế được ngọn lửa. Trời tối mịt không thể nào tìm thấy đường về, lúc đi do vội vàng nên quên mang theo đèn pin, thế là đành phải ngồi đợi đến quá nửa đêm khi có trăng lên mới lần ra đường để về trại…

Sau 20 năm miệt mài làm một người lính canh rừng lặng lẽ, không thù lao, đến năm 2014, ông và con trai cả được chính quyền cấp giấy quyền sử dụng đất lâm nghiệp thời hạn 50 năm đối với diện tích 36 ha đất rừng. Trong đó gồm 10 ha rừng thông của HTX để lại, 10 ha rừng thông ông trồng thay thế và chăm sóc trong suốt thời gian canh rừng và 16 ha đất được ông khai hoang. Có thêm động lực, trong suốt 5 năm - từ 2014 đến nay - ông đã trồng mới thêm được 12 ha rừng keo tràm, trong đó 2/3 số diện tích sắp cho thu hoạch.

img

Rừng “trả ơn”, cuộc sống kinh tế của gia đình ông Di dần sung túc hơn. Ba đứa con trai đến tuổi trưởng thành của ông cũng được truyền cảm hứng từ cha mình, tiếp tục với công việc bảo vệ màu xanh cho quê hương.

Yêu rừng, gắn bó với rừng đến nay đã ngót 30 năm, ông Di đã nhiều lần được tôn vinh, khen thưởng… Nhưng phần thưởng ý nghĩa nhất vẫn là niềm tin, tình cảm, sự nể phục của nhân dân khi họ nhắc đến ông, một người lính can trường, mạnh mẽ, hiên ngang bảo vệ màu xanh cho đồi núi, tích cực trong tất cả các phong trào xây dựng quê hương.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại

Thiên Vỹ (Báo Hà Tĩnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem