Cựu binh không cam chịu đói nghèo

Thứ ba, ngày 24/05/2011 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xuất ngũ với 2 bộ quần áo và 6 tháng tem gạo, cựu chiến binh người dân tộc Tày Nguyễn Văn Táy đưa vợ cùng 6 con nhỏ vào xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương lập nghiệp và vươn lên thoát nghèo.
Bình luận 0

Gia đình bán vé số

Năm 1966, 17 tuổi, như bao chàng trai phơi phới tuổi xuân ở xã Tri Phương, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), Nguyễn Văn Táy háo hức lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm làm lính thông tin, mùa thu năm 1970, Táy được điều vào chiến trường, phục vụ tại Binh trạm 50, Sư 470 (đường Trường Sơn). Chiến tranh kết thúc, Táy giải ngũ, trở về quê lấy vợ rồi sinh một lèo 6 đứa con và tiếp tục công việc của một xã viên hợp tác xã nông nghiệp.

img
Niềm vui của vợ chồng ông Táy trong vườn cao su.

“Hợp tác xã làm ăn như củ lỗ ăn xuống, hai vợ chồng làm cả năm chỉ sống đủ 3 tháng, 9 tháng còn lại lo chạy ăn nuôi 8 cái tàu há mồm đến mướt mồ hôi” - ông Táy kể.

Thấy cứ bám vài sào ruộng bậc thang khoán thì muôn đời vẫn nghèo, cuối năm 1993, ông Táy liều mình đưa vợ con lên xe đò đi một lèo vào huyện Bến Cát (Bình Dương) rồi chọn ấp Mương Đào, xã Long Nguyên “hạ trại”. Đây cũng chính là nơi ông từng dừng chân trong những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, khi cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn.

Đến Long Nguyên, ngoài 6 đứa con lớn hơn nhau chỏm tóc, số tiền gom góp ở quê mang theo cũng chỉ đủ cho vợ chồng ông Táy mua một mẫu đất vườn tạp. Họ làm mướn, lượm củi bán và đi bán vé số dạo chống chọi với đói nghèo để nuôi con và cho con đi học.

Vợ ông Táy kể: “Buổi sáng bán vé số, chiều tôi cùng các con đi cắt cỏ mướn cho mấy nhà nuôi bò”. Thấy cha mẹ cực khổ, sau mỗi buổi học, hai con lớn của ông cũng đi bán vé số để thêm tiền mua gạo, thành ra cả xóm cứ gọi vui gia đình ông là “gia đình vé số”.

“Cực khổ là thế, nhưng vợ chồng tôi vẫn cắn răng cho con đến trường. Đời tôi không có tiền, có của cho con, đành lo cái chữ cho các cháu làm vốn” - ông Táy rơm rớm nước mắt tâm sự. Có lần cần tiền đóng học cho con, ông Táy phải nói dối với đại lý là làm mất hết vé số để dành tiền đóng học cho con, rồi sau đó ông dành dụm trả nợ sòng phẳng cho họ.

Đổi đời nhờ con chữ

Ngày nào cũng vậy, cứ bán hết vé số, vợ chồng con cái nhà ông Táy lại kéo nhau ra cuốc đất trồng mì (sắn), khoai lang rồi chuyển sang trồng cao su. Thấy bố mẹ nghèo, lại vất vả nên các con ông rất chăm chỉ học lại biết tiết kiệm để bố mẹ có thêm tiền mua phân, mua thuốc chăm sóc cao su.

Cả đời vợ chồng tôi vất vả làm ăn chỉ mong 6 đứa con được học hành đến nơi đến chốn. Tôi nghiệm ra rằng, đời mình chỉ có thể thoát nghèo nhờ nuôi con chữ cho các con, không được học hành, con tôi rồi lại sẽ nghèo như cha mẹ chúng.

Vài năm nay, nhờ cây cao su, gia đình ông từng bước xóa xong nghèo, cả 6 con đều học hết cấp III rồi vào các trường đại học, cao đẳng. “Hiện giờ, nhờ cây cao su, nhờ các con đều học hành nghiêm chỉnh, vợ chồng tôi đã thoát được nghèo, lại mới cất được căn nhà tương đối vững chắc thay cho căn nhà lá trước đây” - ông Táy vui vẻ nói.

Ở Hội Cựu chiến binh xã Long Nguyên, những người lính năm xưa tự tìm cách đưa gia đình thoát nghèo như ông Táy cũng rất nhiều. Ông Đoàn Công Hiếu- một cựu chiến binh từ Bắc Ninh vào Nam chiến đấu rồi lập nghiệp ở Long Nguyên nay cũng đã trở thành một người làm ăn giỏi.

Giới thiệu với chúng tôi về hội viên cựu chiến binh Nguyễn Văn Táy, ông Lê Đức Thành- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Nguyên nói: “Với phẩm chất của người lính gian nan không chùn bước, biết cách vượt mọi khó khăn để vươn lên phía trước, ông Nguyễn Văn Táy thực sự là hội viên gương mẫu của Hội Cựu chiến binh xã anh hùng Long Nguyên”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem