Cựu Chủ tịch Sen Tài Thu bị bắt, người bị hại làm gì để lấy lại tiền góp vốn?
Cựu Chủ tịch Sen Tài Thu bị bắt, người bị hại làm gì để lấy lại tiền góp vốn?
Quang Trung
Thứ ba, ngày 30/01/2024 15:39 PM (GMT+7)
Bà Phạm Thị Hòa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sen Tài Thu, bị bắt với cáo buộc nâng khống vốn điều lệ để huy động hơn 1.000 tỷ đồng. Vậy những người đã góp vốn phải làm gì để lấy lại tiền?
Ngày 29/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố bị can, bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Hòa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu; Nguyễn Thị Thùy Linh, cựu Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Tổng Giám đốc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cảnh sát, những bị can này đã nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần, đưa ra thông tin gian dối về tình hình hoạt động, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với bà Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty cổ phần Sen Tài Thu.
Bị hại của Sen Tài Thu phải làm gì để đòi quyền lợi?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn, tuy nhiên việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, phải sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn của mình. Đặc biệt không được phép đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn.
Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại khoản tiền góp vốn, biết trước là không có khả năng trả lại tiền góp vốn cho nhà đầu tư nhưng vẫn nhận tiền, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo ông Cường, một điều đáng chú ý trong vụ việc này là số tiền các bị can đang bị cáo buộc chiếm đoạt đặc biệt lớn. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đang tồn tại ở dạng vật chất nào, được chuyển hóa thành các tài sản nào để xác định có hành vi rửa tiền hay không, có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không.
Đồng thời sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của doanh nghiệp, những tài sản có liên quan đến tội phạm để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.
Về nguyên tắc, khi giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, ngoài việc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội…để áp dụng chế tài cho phù hợp, cơ quan điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của người bị hại đang ở đâu để tiến hành áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho nạn nhân.
Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.
Quá trình điều tra vụ án, nếu các bị can hoặc những người thân thích của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc bồi thường khắc phục hậu quả có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can.
Trong trường hợp bị can và những người thân thích của bị can không tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản, trả lại cho những người bị hại.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, những người đã nộp tiền vào doanh nghiệp theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, do những thông tin gian dối mà chuyển tiền, có thể liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết.
Nếu kết thúc hoạt động tố tụng mà bị hại vẫn chưa nhận được tiền, trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và những thiệt hại khác nếu có.
Khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.