Cựu đại sứ làm... nông dân

Thứ tư, ngày 23/04/2014 07:11 AM (GMT+7)
Sau 43 năm hoạt động trong ngành ngoại giao với hàng chục năm trong vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Algeria, Campuchia, giờ đây, ông Nguyễn Chiến Thắng chọn cho mình một cuộc sống bình dị, gắn liền với làng quê và những người nông dân.
Bình luận 0
Rời ngôi nhà khang trang ở gần trung tâm thủ đô Hà Nội, cựu Đại sứ Việt Nam chuyển về sống ở một ngôi nhà vườn như một trang trại thu nhỏ ở Ba Vì. Hàng ngày ông vun trồng những loại cây ăn quả, chăn nuôi và truyền kinh nghiệm làm nông quý báu mà ông được trải nghiệm ở các nước khi còn làm đại sứ cho những người bạn nông dân của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm hay

Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, sau khi nghỉ hưu ông hay có những chuyến đi từ Nam ra Bắc và gặp được nhiều người, chủ yếu là nông dân. Ông chia sẻ: “Tôi quan sát và thấy rằng, người nông dân Việt Nam còn cực khổ. So với nông dân ở Pháp thì không thể so sánh được, thậm chí với nông dân ở Algeria cũng không nên so, chỉ có thể so sánh nông dân Việt Nam với nông dân Campuchia và Lào. Thậm chí họ còn có những cái sướng hơn mình vì cường độ lao động của họ không cao như mình. Họ làm ăn thong thả và họ bằng lòng với những thành quả nhỏ bé của mình. Ngoài ra, nông dân Việt Nam còn có một nỗi khổ nữa đó là sự ham muốn quá lớn, cường độ lao động thì cao mà kết quả thu được lại thấp...”.

Cựu Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng say sưa nói chuyện làm nông nghiệp.
Cựu Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng say sưa nói chuyện làm nông nghiệp.

Khi biết ông là đại sứ ở nhiều nước, có thời gian trải nghiệm và khám phá nền nông nghiệp của các nước, nhiều người đã tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm. Ông Thắng kể, có người nuôi bò đến hỏi ông rằng, sữa bò nhiều và họ muốn làm pho mát để bán thì có nên không. Ông đã khuyên những nông dân này không nên làm pho mát, nếu làm thì thất bại. Thứ nhất phải xem là bán cho ai.

Nếu bán sữa cho nông dân thì được, còn nếu bán pho mát thì không thể cạnh tranh được với pho mát của các hãng lớn như “Con bò cười”... Cũng có những nông dân nuôi gà đến chia sẻ cùng ông những khó khăn của họ khi gà chết dịch hàng loạt, lời khuyên của vị cựu đại sứ là là phải có thói quen tiêm phòng dịch cho đàn gà, kể cả những hộ nuôi gà đơn lẻ. Ở nước ngoài, nông dân họ rất chú trọng đến khâu phòng dịch bệnh, như vậy họ vừa có được sản phẩm như mong đợi và lại đạt tiêu chuẩn chất lượng mà người tiêu dùng ưng ý.

Nông sản Việt trên bàn tiệc ngoại giao

Ông Nguyễn Chiến Thắng được biết đến với rất nhiều chức danh khác nhau. Ông vào ngành ngoại giao từ năm 1971, nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Algeria, Pháp và Campuchia… Ông nói rằng, không chỉ riêng đại sứ, mỗi người nên là một “đại sứ” để quảng bá Việt Nam ra thế giới.

"Khi hàng Việt Nam được xuất sang nước ngoài cũng cần phải tính đến sự khác biệt và vượt trội so với mặt hàng của nước bạn và lạc rang húng lìu là một gợi ý mà tôi muốn đưa ra”.
Cựu Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng

Trong câu chuyện về sự xuất hiện của nông sản Việt trên những bàn tiệc ngoại giao, ông Thắng kể rằng, khi ông làm Đại sứ Việt Nam ở các nước, ông có những bữa tiệc chiêu đãi chính thức và những bữa tiệc tại tư gia dành cho những người bạn ở nước sở tại. Tại những bữa tiệc chính thức, bún chả, phở bò, nem rán… là những món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt, được bạn bè thế giới rất thích thú. Đặc biệt, những món ăn khai vị gồm hạt điều, hạt sen sấy… đều là những sản phẩm được làm ra từ bàn tay nông dân Việt Nam, rất được người nước ngoài ưa chuộng.

Ông kể: “Lúc tôi còn là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, có lần trong một cuộc chiêu đãi ông Bedecarac- Chánh văn phòng của cơ quan hành chính ở Paris, như thông lệ, món khai vị được dọn lên là hạt điều và hạt sen sấy. Sau một hồi ngồi nhâm nhi và trò chuyện, tôi chợt nhớ ra mình có một sản phẩm khác vừa được một người bạn Việt Nam gửi tặng đó là lạc rang húng lìu.

Khi mời món lạc rang này, người khách của tôi đã rất thích thú, ông nhận xét món ăn này rất ngon, ngon hơn cả hạt điều và những món hạt khác ở Pháp. Sau này, những người Pháp khác ngoài ông chánh văn phòng nói trên, cũng rất ưa thích món lạc rang húng lìu. Tôi chợt nghĩ, trong cuộc cạnh tranh nào cũng cần có sự khác biệt và vượt trội. Khi hàng Việt Nam được xuất sang nước ngoài cũng cần phải tính đến sự khác biệt và vượt trội so với mặt hàng của nước bạn và lạc rang húng lìu là một gợi ý mà tôi muốn đưa ra”.

Thúy Đăng (Thúy Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem