Cựu điệp viên Nga: Mỹ không đủ sức can thiệp trực tiếp vào Ukraine

Phương Đăng (theo Newsweek) Chủ nhật, ngày 15/01/2023 12:55 PM (GMT+7)
Người dẫn chương trình kỳ cựu của Nga và các khách mời bao gồm cựu điệp viên nổi tiếng từng bị Mỹ phạt tù tin rằng, ảnh hưởng của Washington đối với thế giới đang suy yếu và nước này không đủ sức để thực sự can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine.
Bình luận 0

Theo Newsweek, trong chương trình Bolshaya Igra (Trò chơi lớn) được phát sóng trên Kênh Một của Nga, người dẫn chương trình Vyacheslav Nikonov đã tuyên bố rằng “cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi nhiều đến mức Mỹ thậm chí không thể tiến hành một cuộc can thiệp thực sự” khi ông mô tả cách Washington “bị trói tay ở Ukraine”.

Một trong những vị khách mời của chương trình - bà Maria Butina - người từng bị Mỹ kết tội gián điệp - nói rằng Mỹ không thể giữ "quyền bá chủ" của họ và thế giới đang trở nên "đa cực".

"Họ không hiểu điều đó. Đó là lý do cho phản ứng cuồng loạn của họ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine", Butina nói.

Cựu điệp viên Nga tố Mỹ 'cuồng loạn' vì không đủ sức can thiệp trực tiếp vào Ukraine - Ảnh 1.

Cựu điệp viên Nga Maria Butina được chụp tại Moscow vào ngày 5 tháng 3 năm 2020. Cô ấy nói với Kênh đầu tiên của Nga rằng Hoa Kỳ đang "cuồng loạn" về cuộc chiến ở Ukraine.

Butina đã nhận tội vào năm 2018 về âm mưu hoạt động như một điệp viên nước ngoài bí mật ở Mỹ. Cựu điệp viên Nga cũng bị cáo buộc cố gắng thiết lập quan hệ giữa Nga và chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Việc Mỹ đối phó với vai trò được cho là bị giảm sút của mình trên thế giới được một khách mời khác tiếp tục thảo luận, nhà kinh tế học Vasily Koltashev. Ông Koltashev nói rằng Washington hiện đang "không đấu tranh để duy trì quyền bá chủ mà là để giành lại quyền bá chủ" và mong muốn trở thành "người phân xử toàn cầu".

Mỹ không triển khai binh lính tới chiến đấu ở Ukraine, nhưng cho đến nay, Mỹ đã gửi cho Ukraine hàng chục tỷ USD viện trợ bao gồm các loại vũ khí tối tân để giúp Kiev chống lại các nỗ lực chiến tranh của Nga.

Theo Sputnik, chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 68 tỷ USD cho Kiev, trong đó gói viện trợ đầu tiên trị giá 13,6 tỷ USD được các nhà lập pháp Mỹ thông qua vào đầu tháng 3 - chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các khoản viện trợ kếch xù của Mỹ cho Ukraine diễn ra dưới nhiều hình thức. Một phần của số tiền này được chi cho hỗ trợ quân sự như chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự, đào tạo quân nhân và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine.

Một phần trong số tiền Mỹ hỗ trợ cho Ukraine cũng được chuyển trực tiếp cho Chính phủ Ukraine để duy trì hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.

Ngoài ra, số tiền viện trợ cũng được chuyển đến các cơ quan Chính phủ Mỹ liên quan đến khủng hoảng Ukraine và dành cho các vấn đề nhân đạo.

Nga nhiều lần cảnh báo, dòng tiền và vũ khí Mỹ bơm cho Ukraine chỉ khiến kéo dài xung đột, làm gia tăng nỗi đau khổ của người Ukraine chứ không giúp chấm dứt cuộc chiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem