Cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM Đinh Minh Hiệp bị đề nghị truy tố
Cái "gật đầu" của cựu Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp để doanh nghiệp đưa "quân xanh" trúng thầu dự án
Xuân Huy
Chủ nhật, ngày 22/09/2024 18:42 PM (GMT+7)
Ông Đinh Minh Hiệp đã đồng ý cho doanh nghiệp của Hoàng Minh Bá tham gia Dự án Nấm, yêu cầu doanh nghiệp này phải cung cấp thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm có tính hệ thống và phải đồng hành cùng chủ đầu tư vận hành phòng thí nghiệm đến khi được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn ISO 17025.
Trong vụ này, ông Đinh Minh Hiệp (cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, khoảng giữa năm 2016, ông Hoàng Minh Bá (Giám đốc Công ty T.S.T) biết về Dự án Nấm và nhờ Phạm Nguyễn Đức Hoàng (thời điểm này đang là nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) đưa đến gặp ông Đinh Minh Hiệp (lúc này là Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp) tại phòng làm việc.
Tại đây, ông Bá xin ông Hiệp cho phép doanh nghiệp của ông Bá được tham gia là đơn vị cung cấp của Dự án Nấm.
Ông Hiệp đồng ý và đưa ra yêu cầu doanh nghiệp của ông Bá phải cung cấp thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm có tính hệ thống và phải đồng hành cùng chủ đầu tư vận hành phòng thí nghiệm đến khi được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn ISO 17025.
Sau khi được ông Hiệp đồng ý, ông Bá đã cử nhân viên đến gặp ông Phạm Tấn Kiên (Phó Trưởng phòng quản lý đầu tư và doanh nghiệp thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp) tiếp nhận danh mục trang thiết bị, nhờ ông Bá lên phương án chi tiết và căn cứ vào tổng mức đầu tư báo giá đầu ra và giới thiệu các đơn vị tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm định giá phục vụ phê duyệt dự án.
Ông Bá căn cứ vào danh mục do ông Hiệp dự thảo và gửi cho các hãng cung cấp thiết bị và lên danh mục có đầy đủ tên thiết bị, model, nguồn gốc xuất xứ, hãng sản xuất, cấu hình, thông số kỹ thuật chi tiết.
Căn cứ vào giá bán hàng do các hãng báo giá và căn cứ vào tổng mức đầu tư được phê duyệt, ông Bá xác định Công ty T.S.T được hưởng chênh lệch số tiền 12 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu có thể tách phần đào tạo chuyển giao công nghệ riêng thì có thể được lợi nhuận cao hơn nữa.
Sau đó, ông Bá đã cung cấp cho chủ đầu tư danh mục thiết bị hoàn chỉnh, giá dự toán hơn 86 tỷ đồng. Danh mục này đã được chủ đầu tư lựa chọn để thẩm định giá, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và giữ nguyên trong các giai đoạn xin phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán và cũng là danh mục để Công ty T.S.T dự thầu, trúng thầu.
Đồng thời với quá trình xây dựng danh mục trang thiết bị chi tiết, Hoàng Minh Bá giới thiệu đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty PVE Hà Nội và Công ty SIV là đơn vị tư vấn thẩm định giá. Toàn bộ các thủ tục để chỉ định thầu đều do Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh phối hợp với Nguyễn Trần Long soạn thảo để Phạm Tấn Kiên trình ông Đinh Minh Hiệp ký. Hoàng Minh Bá trực tiếp thông qua ông Lê Văn Hùng (là người quen cũ của ông Bá và nhờ Bá giới thiệu các gói thầu thẩm định giá) để cung cấp các báo giá phục vụ thẩm định giá và thông qua Kiên để chuyển danh mục trang thiết bị cho Công ty PVE đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi.
Sau khi dự án được phê duyệt, do đã được ông Hiệp đồng ý cho theo dự án nên quá trình tham gia đấu thầu, tương tự như Dự án Mems, ông Bá chỉ đạo nhân viên Công ty T.S.T mua hồ sơ mời thầu cho Công ty Sơn Bình, Mictec (các công ty "quân xanh").
Đối với Công ty T.S.T, ông Bá chỉ đạo cấp dưới làm khống hồ sơ để đưa vào hồ sơ năng lực, đảm bảo cho Công ty T.S.T đáp ứng được yêu cầu. Kết quả đấu thầu, Công ty T.S.T trúng thầu với giá trúng thầu 86 tỷ đồng.
Về việc hưởng lợi từ triển khai đầu tư dự án, ông Hiệp được ông Bá gửi quà và tiền chúc Tết các năm 2019 và năm 2020 mỗi lần 500 triệu đồng, tổng cộng là 1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Hiệp gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.