Chị Trần Thúy Thúy, hiện nay là bác sĩ thú y ở Minh Đức, Phổ Yên, Thái Nguyên. Chị từng là lớp trưởng lớp Chăn nuôi thú y, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Mặc dù đã tốt nghiệp năm 2013 nhưng kỷ niệm về những ngày đi học ngành đặc biệt này vẫn còn vẹn nguyên.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Thúy cho biết: "Mong ước của mình là theo nhân y, tuy nhiên, do thiếu nửa điểm nên mình quyết định đăng ký nguyện vọng học chăn nuôi thú y. Ngày đó ở quê mình được học đại học là một điều to tát. Con trượt đại học thì bố mẹ hụt hẫng vô cùng. Dù sao thú y cũng là chăm sóc, cứu mạng sống, chỉ khác là áp dụng trên động vật mà thôi".
Lớp học của chị khoảng 90 người và 1 nửa trong số đó là nữ. Hai năm học đầu tiên chỉ học đại cương nên vô cùng nhẹ nhàng. Đến cuối năm thứ 2 bắt đầu học chuyên ngành và cũng từ đây nhiều người phải... toát mồ hôi.
"Là nữ giới nên khi học và thực tập luôn phải tiếp xúc với phân, máu động vật. Nhiều bạn yếu đuối học rất vất vả, khó khăn vì muốn khám bệnh thì 100% phải trực tiếp mổ gà. Môi trường làm việc luôn là chuồng gà, chuồng lợn, chuồng bò... Có người thì sợ, có người thì buồn nôn. Ngành nghề đặc thù nên không phải bạn nữ nào cũng theo được. Có người dù học được nhận học bổng nhưng sau đó bỏ đi làm kinh doanh, làm công nhân trong trại bò, còn số sinh viên theo nghề phục vụ dân thì không có nhiều", chị Thúy chia sẻ.
Ngay bản thân chị Thúy, mặc dù từ nhỏ đã làm quen với gà lợn, chăn nuôi nhưng kinh nghiệm thực tế chưa nhiều. Chị Thúy mãi không quên lần đầu tiên chọc tay vào đỡ lợn đẻ. "Lúc đó mình sợ lắm. Mọi kiến thức chỉ nằm trên sách vở. Con lợn lại ngược ngôi thai. Lúc đó vô cùng cấp bách, mình lấy lại tinh thần, hết sức bình tĩnh, nghĩ đến những bài đã học trên lớp và áp dụng vào. Ca đỡ đẻ lần đó đã thành công", chị Thúy nhớ lại.
Có đam mê sẽ thu được thành quả xứng đáng
Hiện tại đã ra trường đi làm một thời gian và với nhiều kỷ niệm. Thế nhưng với chị Thúy, kỷ niệm ám ảnh nhất với chị là ca mổ đẻ lợn không thành công. Khi đó là một ca gọi gấp lúc nửa đêm. Chị Thúy được gọi đến và khám thì thấy con lợn bị rách tử cung.
"Mình có nói rằng có thể không cứu được lợn mẹ. Và đúng là khi vừa đỡ được 3, 4 con lợn đầu tiên thì lợn mẹ và lợn con còn lại đã chết. Mình bị ám ảnh, day dứt, thấy có lỗi, buồn vô cùng. Từ đó mình càng muốn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hơn nữa", chị Thúy tâm sự. Bên cạnh đó, chị cũng mong giá lợn, gà ổn định để bà con đỡ khổ. Có thời gian giá lợn giảm xuống còn 15.000-20.000 đồng/kg, người dân thua lỗ, bỏ chăn nuôi nhiều.
Điều đặc biệt là từ ngày đi học đến bây giờ, chị Thúy đi khám chữa bệnh chưa lấy tiền của ai. Tất cả mọi việc chị đều làm không công, từ ngày nắng hay ngày mưa, ban ngày hay ban đêm, cứ gọi là chị có mặt. Mới đây, chị có thường xuyên quay lại cảnh mình khám chữa bệnh để ghi lại kỷ niệm và cũng chia sẻ kiến thức gần gũi, thiết thực với bà con. Chị cũng bất ngờ khi có tới 71.000 lượt đăng ký, có video đỡ đẻ cho lợn lên tới 2,3 triệu lượt xem. "Bà con trước đó không dám làm nhưng sau khi xem video của mình, họ đã tự khắc phục được", chị Thúy vui vẻ cho hay.
Mặc dù kể về ngành nghề vất vả như vậy nhưng chị Thúy cho biết khi đã yêu nghề thì vô cùng tâm huyết. Nếu bạn nào có đam mê thì hãy thử sức vì những kết quả mang lại cũng không nhỏ.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay: "Thú y là ngành hot nhất của trường. Điểm chuẩn năm 2021 là 27 điểm, năm 2022 là 23 điểm. Thủ khoa Nông Lâm trong 8 năm qua đều là sinh viên ngành Thú y.
Không có ngành học nào nhẹ nhàng. Khi mình đam mê thì sẽ vượt qua. Học vất vả, đi thực tế vất vả nhưng khi ra trường lại có ngành có thu nhập rất cao".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.