Cựu Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung nhận 8 năm 6 tháng tù, không phải bồi thường
Cựu Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung nhận 8 năm 6 tháng tù, không phải bồi thường
PV
Thứ ba, ngày 06/08/2024 08:35 AM (GMT+7)
Tòa sơ thẩm xác định Hương Trần Kiều Dung giúp sức Trịnh Văn Quyết trong cả 2 hành vi phạm tội, gồm lừa đảo và thao túng chứng khoán, nhưng do không hưởng lợi nên không phải liên đới bồi thường, sung công 1.800 tỷ đồng.
Trong phần tuyên án chiều 5/8, HĐXX sơ thẩm đồng ý quan điểm của Viện kiểm sát, xác định bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch FLC, là đồng phạm giúp sức cho cấp trên Trịnh Văn Quyết.
Bà Dung là người đứng tên là cổ đông góp vốn, nhận ủy thác đầu tư để hợp thức việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cố phiếu ROS trên sàn HOSE rồi bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Dung còn ký nghị quyết cho phép các em gái của ông Quyết cấp khống tiền vào tài khoản chứng khoán, sử dụng để thao túng thị các mã cố phiếu GAB, ART và FLC, thu lợi bất chính hơn 445 tỷ đồng.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Từ những hành vi trên, cấp sơ thẩm phạt Hương Trần Kiều Dung án 2 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và 6 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 8 năm 6 tháng tù. Mức án này thấp hơn nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, vốn cho rằng bà Dung cần bị phạt từ 11 – 13 năm tù.
Về dân sự, HĐXX sơ thẩm xác định Trịnh Văn Quyết và em gái Trịnh Thị Minh Huế phải nộp sung công 684 tỷ đồng từ hành vi thao túng chứng khoán và bồi thường 54% giá trị cổ phiếu ROS, tương đương hơn 1.364 tỷ đồng. Trừ đi các khoản đã nộp, họ còn phải nộp sung công hoặc bồi thường 1.800 tỷ đồng.
Tòa sơ thẩm cũng xác định, bà Hương Trần Kiều Dung và các bị cáo khác không được hưởng lợi bất chính từ hành vi phạm tội; không phải đồng phạm giúp sức tích cực sẽ không phải liên đới bồi thường cùng Trịnh Văn Quyết.
Tại các ngày xét xử trước, bà Dung khai ngoài làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, còn là Chủ tịch Công ty CP chứng khoán BOS. Bị cáo cũng từng làm đại diện của 3 pháp nhân có nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Faros là Công ty FLC Land, Công ty địa ốc Khánh Hòa và Công ty FLC Vĩnh Phúc.
Trong Tập đoàn FLC, bà Dung được phân công phụ trách mảng xúc tiến đầu tư dự án và có đứng tên các công ty theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết nhưng "không quản lý, điều hành". Bị cáo khẳng định đến khi làm việc với cơ quan điều tra, mới biết mình đã ký các hợp đồng che giấu số tiền góp vốn khống vào Công ty Faros.
Nữ bị cáo trình bày, bản thân làm công ăn lương nên khi được Trịnh Văn Quyết trực tiếp chỉ đạo, đã ký các hợp đồng liên quan dù "không có trình độ chuyên môn hay hiểu biết về thị trường chứng khoán".
Trong phần nói lời sau cùng hôm 29/7, bị cáo Hương Trần Kiều Dung trình bày, bản thân vô cùng xót xa, đau đớn khi phải đứng tại phiên tòa và: "Bị cáo vô cùng ân hận về những hành vi mình đã thực hiện. Mặc dù không có động cơ, mục đích vụ lợi nhưng xét trong tổng thể của vụ án, bị cáo dẫn đến hậu quả chung, ảnh hưởng nhiều nhà đầu tư, nhiều con người".
"Nếu bị cáo biết hành vi của mình là sai phạm, chắc chắn sẽ không thực hiện các hành vi đó, không bao giờ đánh đổi để phải đứng tại phiên tòa này", bị cáo Kiều Dung bật khóc nói.
Bà Dung cho biết, từ khi về làm việc tại FLC đã có cơ hội phát huy, cống hiến chuyên môn của mình trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời cùng nhân viên trong Tập đoàn FLC tin tưởng vào chuyên môn cũng như chiến lược phát triển của Trịnh Văn Quyết.
Thực tế, FLC đã đầu tư nhiều dự án trên khắp cả nước, mỗi dự án mà tập đoàn đầu tư đã mang lại hàng nghìn việc làm, giúp thay đổi bộ mặt các địa phương và góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Hương Trần Kiều Dung nói bị cáo rất xúc động khi biết, thời điểm hiện tại vẫn còn hơn 10.000 lao động gắn bó, đồng hành đi theo tập đoàn và có nhiều công trình đang được triển khai, đảm bảo tiến độ bàn giao cho khách hàng.
Bị cáo Kiều Dung mong HĐXX xem xét tính chất mức độ vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ tuyên phạt bị cáo mức án thấp nhất để sớm trở về với xã hội, gia đình và chăm sóc các con cùng bố mẹ già.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.