Hán Tuyên Đế viết trong quyển "Lĩnh Biểu Lục Dị" rằng: "Vào những đêm âm u cuối tháng, khi trời giao mùa xuân hạ, Quỷ xa điểu xuất hiện ở những sườn núi, yêu thích việc nhập vào thân xác con người để chiếm giữ linh hồn,..." để mô tả sự việc chim 9 đầu bắt linh hồn con người và cướp những đứa trẻ.
Cửu Phụng với hình dáng một con chim phượng hoàng có 9 đầu. "Sơn Hải Kinh" là tài liệu ghi chép về loài dị thú này sớm nhất. Trong tập "Sơn Hải Kinh - Đại Hoang Bắc Kinh" có ghi: Ở Đại Hoang, có một ngọn núi gọi là Bắc Cực Cử… có một loài thân chim mặt người và có tới 9 đầu, đó chính là Cửu Phụng.
Mặc dù không rõ "Đại Hoang" nơi Cửu Phụng tồn tại là chốn nào, nhưng chắc chắn nơi đó bao gồm vùng đất Sở Quốc (là một nước chư hầu của nhà Chu tồn tại thời Xuân Thu Chiến Quốc đến thời Hán - Sở). Về cơ bản, Cửu Phụng vốn là vật tổ thờ cúng của người nước Sở, nhưng sau này do con người thay đổi hoặc là cảm thấy chúng quá đáng sợ nên họ không còn sùng bái nữa. Họ xem chim 9 đầu như một loài quái vật.
Như chúng ta đã biết, phượng hoàng là 1 trong 2 tổ vật được xem trọng nhất ở thời Trung Quốc cổ đại. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, người Sở đã "tạo" ra một loài chim phượng hoàng ngũ sắc, giọng hót nhẹ nhàng như tiếng sáo, chỉ đậu trên cây ngô đồng, chỉ ăn hoa tre và uống nước suối ngọt dịu, được người Sở gửi gắm chí hướng vĩ đại cùng hoài bão cao vời. Trong suy nghĩ của người Sở, phượng hoàng là biểu tượng của những gì chân thật nhất, thiện lương nhất, đẹp đẽ nhất.
Cửu Phụng là sự kết hợp giữa phượng hoàng và con số 9. Phượng hoàng là vật tổ mà người Sở thờ cúng; còn số 9 là con số người Sở rất sùng bái.
Số 9 là một con số bí ẩn ở thời Trung Quốc cổ đại. Trời cao là "Cửu trùng", đất sâu là "Cửu tuyền", vùng lãnh thổ rộng lớn là "Cửu vực", số lượng quá nhiều là "Cửu quân", thời gian dài là "Cửu thiên cửu dạ", nguy hiểm tột độ là "Cửu tử nhất sinh". Tại sao số 9 lại thần bí như vậy? Theo một số học giả, đây có thể là vì ý nghĩa ban đầu của số 9 là từ rồng 9 đầu (hoặc là rắn 9 đầu). Trung Quốc cổ đại có nhiều thần thoại sùng bái rồng 9 đầu (hoặc rắn 9 đầu), ví dụ, trong quyển "Sơn Hải kinh" có mô tả về một loài dị thú có thân rắn và 9 đầu. Và nếu như rồng hoặc rắn 9 đầu được con người sùng bái thì loài chim 9 đầu cũng không ngoại lệ.
Thần tính của Cửu Phụng có thể thể hiện qua cái tên của nó. Sở Trang Vương tự diễn tả mình là một con phượng hoàng to lớn: "Ba năm không bay, một khi đã bay là bay cao ngút trời; ba năm không hót, nếu hót sẽ kinh động lòng người". Sau này, quả thật ông đã "kinh động lòng người" khi chinh phạt khắp các nước chư hầu.
Cửu Phụng trong "Sơn Hải Kinh" là một loài dị điểu, là thần điểu linh thiêng. Nhưng sau này, Cửu Phụng đã dần dần biến mất khỏi các quyển sách cổ xưa của người Trung Quốc một cách bí ẩn và được thay thế bằng nhiều loài chim 9 đầu khác nhau. Không chỉ mất đi bản chất thần thánh mà còn trở nên kỳ quái theo thời gian. Cuối nhà Hán đến khoảng nhà Đường - Tống, văn học cổ đại có nhiều cách gọi loài chim 9 đầu khác nhau như: Quỷ điểu, Quỷ xa điểu, Thương lô, Cô hoạch điểu, Nữ điểu,...
Quyển "Thiên Trung Ký" tập 59 có một đoạn mô tả loài dị điểu như thế này: "Quỷ xa điểu thường kêu hót và bay lượn vào những đêm cuối tháng âm lịch và có thể nhập vào con người để lấy linh hồn của họ...".
Ngoài ra, Hán Tuyên Đế cũng viết trong quyển "Lĩnh Biểu Lục Dị" rằng: "Vào những đêm âm u cuối tháng, khi trời giao mùa xuân hạ, Quỷ xa điểu xuất hiện ở những sườn núi, yêu thích việc nhập vào thân xác con người để chiếm giữ linh hồn,..." để mô tả sự việc chim 9 đầu bắt linh hồn con người và cướp những đứa trẻ. Chính trong quyển sách này còn viết, những con quái điểu 9 đầu rất thích móng tay mà con người đã cắt đi, bởi vì từ đó chúng có thể biết được tai ương hay phúc phần của một người. Ai có tai họa sắp đến, chúng sẽ đậu ở nhà người đó mà kêu hót cả đêm.
Truyền thuyết thời nhà Tống có nhắc đến một câu chuyện khi hoàng đế ngã bệnh. Vào một ngày, người ta bất ngờ nhìn thấy một con chim 9 đầu đậu trên một tảng đá nơi giặt giũ, kêu hót ầm ĩ. Đêm hôm đó, Hoàng đế quả nhiên băng hà.
Không khó để thấy rằng, Cửu Phụng thần điểu mà người Sở tôn sùng đã bị chính con cháu của họ biến thành một loài chim quái dị với hình ảnh xấu xí, tâm tính hung bạo, truy lùng linh hồn con người, lấy máu người giáng tai họa, bắt cóc con nít,... Cửu Phụng bình thường đã trở thành "đại tai tinh" người gặp người sợ.
Nhưng cũng phải chỉ ra rằng, hình tượng chim 9 đầu được những người sau này xây dựng nên vẫn có mối liên hệ với Cửu Phụng trước đó. Có học giả cho rằng, vào thời cổ xưa, "số 9" và "quỷ" đều có cùng một mức độ phổ biến. Do đó, Cửu Phụng được xem là thần điểu, đã bị thay đổi tên gọi theo hướng kỳ quái: Quỷ điểu hay Quỷ xa điểu. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc chim 9 đầu từ "thần" chuyển thành "yêu" trong lịch sử.
Một vấn đề khác là cái tên "Nhũ mẫu điểu", "Nữ điểu" đều làm cho loài chim 9 đầu trở nên nữ tính hơn. Từ thời Tần - Hán đến thời Đường - Tống, phương Bắc đều sùng bái rồng, rồng là vật tổ thờ cúng cao cao tại thượng, vật tổ phượng hoàng chỉ có thể thấp hơn một bậc mà thôi. Rồng là biểu tượng của hoàng đế, trong khi phượng hoàng được dùng cho hoàng hậu và phụ nữ nói chung. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi người xưa gọi Cửu Phụng thần đều là "Nhũ mẫu điểu" hay "Nữ điểu".
Tuy nhiên, vào thời điểm hình ảnh chim 9 đầu lan truyền khắp Trung Quốc như một loài quái yêu, một câu chuyện ngọt ngào làm say mê lòng người đã xuất hiện ở nước Sở. Đó là câu chuyện kể về nàng "tiên nữ khoác áo lông vũ" hóa thân từ một con Quỷ điểu, được ghi chép trong quyển "Sưu Thần Ký" của Can Bảo (nhà sử học của nước Tấn), trong "Huyền Trung Ký" của Quách Phác (được xem là cha đẻ của học thuật phong thủy, người nước Tấn), trong "Thủy Kinh Chú" của Lịch Đạo Nguyên (nhà địa lý, nhà văn, và chính trị gia thời Bắc Ngụy).
Trong quyển "Tìm tòi trong tiểu thuyết cổ" của Lỗ Tấn cũng có viết về câu chuyện này: Quỷ điểu ban ngày bay lượn, đêm đến tìm nơi ẩn nấp, giấu đi những huyền ảo quỷ thần và lớp lông chim kia, cởi bỏ y phục trở thành một cô gái xinh đẹp. Một người đàn ông đã nhìn thấy 6, 7 cô gái như thế, không biết họ là chim, không nghĩ những áo lông kia chính là lông chim nên đã mang giấu đi một cái áo. Khi những "con chim" khác mặc áo lông và lần lượt bay đi, thì có duy nhất một "con chim" ở lại. Người đàn ông đã lấy cô gái này làm vợ, sinh ra ba người con. Đến một ngày, cô gái biết được áo lông của mình bị giấu ở đâu, cô đã lấy và cất cánh rời khỏi đó. Có rất nhiều biến thể của câu chuyện này, người ta cũng cho rằng nó đã lan rộng sang Nhật Bản và nhiều nơi khác, trở thành truyền thuyết phổ biến trên toàn thế giới.
Cửu Phụng thần điểu linh thiêng đã từ "thần" biến thành "yêu", rồi lại từ "yêu" trở thành "tiên nữ". Nhưng dù thế nào thì bản chất vốn có sẽ vĩnh viễn khó mà mất đi.
Còn rất nhiều thú vị đằng sau quái vật đáng sợ Cửu Phụng của người dân Trung Hoa. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách hãy dành thời gian tìm hiểu thêm về nét văn hóa này để hành trình khám phá của du khách trở nên có ý nghĩa hơn nhé! Chúc các du khách vui vẻ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.