Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia Đức An đều kháng cáo, trình tự giải quyết ra sao?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 19/11/2023 13:13 PM (GMT+7)
Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy và chồng cũ là đại gia Đức An đều có kháng cáo bản án sơ thẩm trong vụ vụ tranh chấp quyền sở hữu và tranh chấp chia tài sản sau ly hôn. Theo quy định pháp luật, diễn biến tiếp theo của vụ việc sẽ như thế nào?
Bình luận 0

Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia Đức An đều kháng cáo

Bà Phạm Thị Ngọc Thúy (cựu siêu mẫu Ngọc Thúy) cho biết đã nộp đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu và tranh chấp chia tài sản sau ly hôn với chồng cũ là đại gia Đức An.

Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia Đức An đều kháng cáo, trình tự giải quyết ra sao? - Ảnh 1.

Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TL

Trước đó, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên chia đôi nhiều tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng cho cựu siêu mẫu Ngọc Thúy.

Cụ thể, theo cơ quan chức năng, cựu siêu mẫu Ngọc Thúy (bị đơn) đề nghị cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, công nhận 5 căn biệt thự tại Phan Thiết là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với ông Đức An.

Bà Thúy đề nghị tòa buộc ông An hoàn lại 50% giá trị của 5 căn biệt thự này; buộc ông An giao cho bà được sở hữu 100% vốn góp tại Công ty TNHH Thương mại địa ốc trang trí nội thất Bình Minh và bà sẽ thanh toán cho ông An 50% vốn góp tương đương 43,6 tỷ đồng.

Bởi bà Thúy cho rằng, theo giấy phép đăng ký kinh doanh từ năm 2008 đến nay, bà là thành viên có tỷ lệ vốn góp 99%, đồng thời là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty. Do đó, việc để bà tiếp tục sở hữu và điều hành sẽ đảm bảo tính ổn định trong các hoạt động của công ty.

Đại gia Đức An (nguyên đơn) cũng kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án như vậy là không khách quan, không đúng pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của nguyên đơn.

Quy trình giải quyết sau khi có đơn kháng cáo

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay cả nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên tòa án sẽ thụ lý và xem xét thủ tục kháng cáo.

Trường hợp kháng cáo hợp lệ, người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo phúc thẩm theo đúng thủ tục, tòa án cấp sơ thẩm sẽ thông báo về việc kháng cáo và chuyển hồ sơ đến tòa án phúc thẩm để được giải quyết theo thủ tục dân sự phúc thẩm.

Theo quy định của pháp luật kháng cáo là quyền của đương sự, tuy nhiên đương sự cũng có nghĩa vụ phải trình bày và cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.

Việc quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của các đương sự sẽ phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà các đương sự cung cấp và tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án.

Do đương sự kháng cáo toàn bộ bản án nên toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm tuyên sẽ không có hiệu lực pháp luật, sẽ được giải quyết lại theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở các chứng cứ đã được thu thập phải làm sáng tỏ tại phiên tòa thì tòa án cấp phúc thẩm sẽ tuyên bản án phúc thẩm để quyết định giải quyết vụ án này.

Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật và có thể thi hành ngay. Nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm, các đương sự vẫn phải chấp hành nhưng có quyền gửi đơn đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, đây là vụ án dân sự nên tòa án sẽ khuyến khích các bên thỏa thuận để giải quyết vụ án. Bởi vậy tại cấp phúc thẩm, tòa án cũng sẽ hỏi các bên đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.

Trường hợp nếu tại phiên tòa phúc thẩm các bên thỏa thuận được với nhau, tòa án cũng có thể ghi nhận sự thỏa thuận này để kết thúc vụ án. Nếu các bên thỏa thuận được với nhau ở cấp phúc thẩm và rút đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.

Trong vụ án này có hai quan hệ pháp luật dân sự được giải quyết đó là quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung. Đối với các tài sản có tranh chấp, căn cứ vào nguồn gốc tài sản, các chứng cứ mà các bên xuất trình và chứng cứ tòa án thu thập được để xác định tài sản có tranh chấp thuộc quyền sở hữu riêng của một bên hay là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Vị chuyên gia cho biết, căn cứ vào nội dung kháng cáo và yêu cầu kháng cáo của các bên, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu chứng cứ mà các đương sự xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và các quy định của pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật để chấp nhận hoặc không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ kháng cáo của các bên đương sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem