Quy định pháp luật về hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 18/11/2023 20:10 PM (GMT+7)
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, nữ Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan. Hành vi nhận hối lộ được quy định thế nào?
Bình luận 0

Nữ cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD, đựng trong thùng xốp

Trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, có 17 cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bị đề nghị truy tố.

Trong đó, bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ, 16 người còn lại tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nữ cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan, quy định về hành vi ra sao? - Ảnh 1.

Bị can Trương Mỹ Lan. Ảnh: BCA

Các bị can thuộc NHNN bị cáo buộc trong thời gian thanh tra đã giúp "tẩy trắng" Ngân hàng SCB bằng cách bỏ ngoài số liệu số nợ xấu tại các dự án, các chỉ tiêu tài chính cũng được làm đẹp.

Kết luận xác định, nhóm bị can đáng lẽ phải báo cáo trung thực, đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng lại làm mờ sai phạm, báo cáo không trung thực và đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho SCB thực hiện thành công tái cơ cấu vốn.

Đặc biệt, bị can Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan. Lần đầu vào tháng 3/2018, người của SCB ra Hà Nội, tặng nữ Cục trưởng một túi quả Cherry kèm một túi đựng 200.000USD.

Giai đoạn cuối năm 2018, Đỗ Thị Nhàn nhận 3 thùng xốp do Trương Mỹ Lan gửi, cảm ơn "tạo điều kiện trong quá trình thanh tra" gồm 1 thùng đựng 1 triệu USD và 2 thùng đựng 2 triệu USD.

Số tiền này, Nhàn cất giấu trong phòng ngủ riêng nhà mình, sau đó mang 2,6 triệu USD đi gửi nhà họ hàng.

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, tội nhận hối lộ được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự?

Tội nhận hối lộ có mức phạt cao nhất là tử hình

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhận hối lộ là một dạng hành vi tham nhũng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Trong Bộ luật hình sự, nhận hối lộ bị coi là một tội phạm về chức vụ và được quy định tại Điều 354.

Theo đó, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước.

Theo luật sư Thơ, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản.

Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được mình là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng để nhận tiền hối lộ của người khác.

Tội nhận hối lộ có mức phạt thấp nhất là 2 đến 7 năm và cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem