Nằm trong con hẻm đường Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM), ngôi nhà của thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (73 tuổi, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) luôn có bạn bè đến chơi. Bị Mỹ cưa mất đôi chân, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng thỉnh thoảng ông lại "đi" trên hai chiếc ghế nhỏ xíu. Bằng chất giọng trầm ấm, người tình báo giao liên hồi ức lại.
Sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh trong một gia đình cách mạng, tuổi thơ của ông Thương gặp nhiều sóng gió. Mới 3 tháng tuổi, cậu bé Thương đã được gửi cho một người cô nuôi dưỡng để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Chập chững bước sang tuổi thứ 8, Thương nhận được tin mẹ bị bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, chàng trai lúc đó vừa bước qua tuổi 20 tiếp tục mất cha khi ông bị bắt trong một lần hoạt động quân báo.
|
Cựu thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vẫn thường quyết tâm đi bằng đôi ghế nhỏ xíu. Ảnh: Tá Lâm. |
Trong năm cha mất, Thương quyết định tham gia quân ngũ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1961, Thương được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định). Một thời gian sau, Thương được giới thiệu sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (đại tá Nguyễn Nho Quý lúc đó là Trưởng ban tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn).
"Có bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm tao cho mày hết rồi đó. Chỉ có một điều phải luôn ghi nhớ trong tim: Tài liệu là điệp viên, mất tài liệu là mất điệp viên", lời dặn dò của Mười Nho khiến ông nhớ mãi khi nhận nhiệm vụ. Ngừng một chút, ông Thương trở mình, xoa nhẹ cánh tay phải đang đau nhức vì trở trời. Ông cho biết, cánh tay này từng bị lính Mỹ dùng báng súng đập gãy.
Ngày 10.12.1969, ông được lệnh về Sài Gòn lấy tài liệu mật. Trên đường về, quân Mỹ phát hiện ra ông và cho trực thăng vây bắt. Đến cánh đồng ấp Mỹ Phước (Bình Dương), một số máy bay Mỹ hạ độ cao, cho quân đổ bộ quyết bắt bằng được người tình báo giao liên.
"Lúc này, tôi đã giấu xong tài liệu vào luống cày rồi nấp vào một chỗ kín đáo. Khẩu súng chỉ còn 21 viên đạn. Chờ địch tới gần 15 thước, tôi bắn 20 viên đạn tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Viên cuối cùng tôi định tự sát, nhưng nghĩ lại lời thề Đảng viên không được tự sát, tôi quyết dụ chúng đến gần để tiêu diệt cướp súng", ông Thương kể.
Để đánh lừa lính Mỹ, người chiến sĩ tình báo giao liên giả vờ đầu hàng, tiến về phía máy bay. "Chúng hạ độ cao, hạ thang dây. Chờ chúng lại gần, tôi bắn vào một tên, cướp súng và bắn tiếp vào ổ chia lửa của máy bay. Một chiếc bốc cháy, nhiều máy bay khác lao tới. Tôi bị thương và bị chúng dùng báng súng đập gãy cánh tay và ngất lịm", ông Thương kể.
Bị bắt về Sài Gòn, ông được lính Mỹ dẫn về ngôi biệt thự rất sang trọng có tên Hoa Hồng. Tại phòng khách, một người lính Mỹ đeo quân hàm đại tá chỉ cho ông xấp tiền 100.000 USD, chiếc xe hơi, ngôi biệt thự và nói "tất cả những thứ này là của ông".
"Tất nhiên, chúng yêu cầu tôi phải cung cấp tài liệu mật và cho chúng biết tôi có phải là thiếu tá tình báo giao liên Nguyễn Văn Thương không? Biết là kế sách của địch nên tôi khai tên là Nguyễn Trường Hân và không biết chữ", ông nói.
Để mua chuộc, quân Mỹ còn dùng kế mỹ nhân. "Có một thứ mà người đàn ông nào cũng thích, chúng tôi tặng cho ông luôn", đại tá Mỹ nói. Vừa nói xong, trong bức rèm, thiếu nữ xinh đẹp tên Thùy Dương bước ra chào ông e lệ. Nhiệm vụ của Thùy Dương là chăm sóc ông, làm đủ mọi cách để khiến người tình báo giao liên phải khai ra hết.
Nhiều lần, bằng cách ăn mặc khá khêu gợi cô vào phòng ngủ của ông để hy vọng Nguyễn Văn Thương có thể khai ra tên thật và tài liệu mật, nhưng đều không mua chuộc được ý chí của người tình báo. "Anh nghe em đi, nói ra hết chúng ta sẽ có 10.000 USD đi xứ anh đào. Nếu không nghe, Mỹ sẽ đập nát 2 bàn chân của anh bởi nó là bàn chân của giao liên tình báo", Thùy Dương khuyên.
|
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương lúc trẻ. Ảnh chụp từ tư liệu. |
Sau 100 ngày ở trong ngôi biệt thự, biết dùng tiền, nhà cửa và gái đẹp không thể mua chuộc được ông, Mỹ đã đưa ông ra đập nát hai bàn chân với mục đích làm cho ông không thể hoạt động tình báo.
Lần thứ nhất, chúng cưa mắt cá bàn chân phải. Lần thứ hai, cưa bàn chân bên trái. Cứ thế, trong hơn 3 tháng, Mỹ lôi ông ra cưa chân tổng cộng 6 lần. Mỗi lần, Mỹ cưa mỗi đoạn và luôn lặp lại câu hỏi "Có phải Nguyễn Văn Thương không?" nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu.
"Tôi cắn răng khi chúng đưa cưa vào. Sau đó thì tôi ngất xỉu. Những lúc đối mặt với kẻ thù, đau đớn đến cỡ nào tôi cũng chịu đựng được vì trong lòng tôi có sức mạnh của Đảng và hình ảnh của ba mẹ, vợ con và đồng đội", ông tâm sự. Cuối cùng, người đại tá Mỹ phải thốt ra câu: "Tao thua rồi, mày là sinh vật thép".
Sau đợt tra tấn dã man đó, ông Nguyễn Văn Thương được đưa về nhà giam Hố Nai. Trong thời gian ở đây, mặc dù đã mất đôi bàn chân, vết thương rỉ máu, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, viết truyền đơn gửi cho anh em trong nhà tù. Mỹ biết được liền đưa ông vào phòng biệt giam, nhốt trong một chiếc thùng sắt 3 tháng trời.
Sau đó, Mỹ đày ông ra Phú Quốc. Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông mới được trở về đoàn tụ với gia đình.
Hơn 40 năm nay, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vẫn đi lại trên chiếc xe lăn của mình. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn dành thời gian đi thăm đồng đội, bạn bè và kể cho thiếu nhi nghe về ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh ông luôn có người vợ tháp tùng. Bà cũng là một chiến sĩ cách mạng.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.