Đã có hành lang pháp lý nhưng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa tương xứng

Tường Thụy Thứ sáu, ngày 08/12/2023 12:52 PM (GMT+7)
Liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp còn rất nhiều hạn chế khiến cho tiêu thụ và xuất khẩu nông sản còn thấp so với tiềm năng của đất nước, theo diễn đàn "Tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nông sản" tại TP.HCM hôm nay, 8/12.
Bình luận 0

Tại diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã nêu ra hàng loạt hạn chế trong liên kết vùng.

Vấn đề lớn nhất là chưa xây dựng dữ liệu vùng; các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, hành chính, chỉ chú trọng liên kết với những thành phố đầu tàu hơn là liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Thêm nữa, các nội dung liên kết vùng mang tính bắt buộc chưa được triển khai nghiêm túc; chưa có liên kết vùng trong hỗ trợ doanh nghiệp hình thành cụm liên kết. Vì vậy, doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ liên kết vùng để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Do thực tế trên, việc đầu tư còn dàn trải hoặc trùng lắp, chưa nói đến cạnh tranh dữ dội trong thu hút đầu tư và triệt tiêu lợi thế của từng địa phương, ông Cương cho biết.

Liên kết vùng sản xuất nông nghiệp còn nhiều vấn đề lớn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), phát biểu tại diễn đàn ngày 8/12/2023 tại TP.HCM. Ảnh: Tường Thụy

Chính sách chưa thông

Liên quan đến chính sách, Viện phó của CIEM chỉ ra việc có quy định tạo hành lang pháp lý liên kết vùng nhưng chưa đề cập cụ thể phương thức, cơ chế, quy trình liên kết. Việt Nam cũng chưa có luật hoặc nghị định cụ thể hóa nội hàm "thúc đẩy liên kết kinh tế vùng".

Đáng chú ý hơn, Chính phủ chưa phê duyệt quy hoạch vùng giai đoạn 2021 - 2030. Trong khi đó, các thỏa thuận, khung hợp tác hay tầm nhìn liên kết vùng đã được ký kết nhưng không nói rõ điều kiện thực thi, nguồn lực thực thi, giải pháp triển khai, nhiệm vụ của từng địa phương.

Cũng về chủ trương - chính sách, ông Cương cho biết vai trò điều phối và khuyến khích liên kết vùng của chính quyền trung ương còn mờ nhạt, dẫn đến việc các địa phương bị lúng túng trong nhận diện lĩnh vực tiềm năng và cách triển khai liên kết vùng.

"Hiện nay, ta chưa có cơ quan đầu mối điều phối liên kết vùng của các vùng kinh tế xã hội, ngoại trừ ĐBSCL. Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đang chuẩn bị họp lần đầu tiên", ông Cương cung cấp thông tin.

Liên kết vùng sản xuất nông nghiệp còn nhiều vấn đề lớn - Ảnh 2.

Các đại biểu nếm thử nông sản được giới thiệu tại diễn đàn. Ảnh: Tường Thụy

Theo thông tin từ diễn đàn, bộ máy quản lý các vùng hiện nay chỉ là tự nguyện. Vì vậy tính pháp lý không cao, các thành viên chỉ hoạt động kiêm nhiệm, chưa có tiếng nói đủ lớn đối với Chính phủ.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông nghiệp và thủy sản quan trọng cho cả nước, cơ chế hỗ trợ vốn cho dự án liên kết vùng ĐBSCL đang còn nằm trên giấy, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 10% không còn nữa.

Viện phó của CIEM và các đại biểu cũng nêu ra thực trạng hạ tầng giao thông ĐBSCL chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Riêng cao tốc từ TP.HCM nối kết với ĐBSCL chỉ có 2 đoạn đang sử dụng là TP.HCM-Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong khi đó, mạng lưới cao tốc ở miền Bắc đã phát triển rộng khắp. "Tôi xin nói rằng cao tốc tốt nhất Việt Nam hiện nay là cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh", ông Cương chia sẻ.

Liên quan đến các quy định quỹ đầu tư phát triển để 1 địa phương cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với quỹ đầu tư phát triển của địa phương khác, thực tế hiện nay là không có quỹ, không có ngân sách nên chưa được triển khai.

Giải pháp cấp bách cho vấn đề này, theo ông Cương, là Bộ Tài chính cần đề xuất sửa luật ngân sách trong thời gian sớm nhất để giúp tháo gỡ nút thắt này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem