Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?

Công Nam Thứ năm, ngày 16/05/2024 09:55 AM (GMT+7)
Có một thời cây bơ giúp nông dân ở khu vực Tây Nguyên làm giàu với sản lượng cao, giá cả tốt. Thế nhưng, hiện nay nhiều nông dân đang phải cân nhắc chặt bỏ hay giữ lại vườn cây khi mà giá bán liên tục xuống thấp.
Bình luận 0

Vừa mất mùa, vừa mất giá, nông dân trồng bơ khóc ròng

Gia đình anh Trần Đại Phúc (ở thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) có 2ha trồng bơ giống 034. Bơ đang kinh doanh ở năm thứ 7, nhưng anh Phúc đang phải hết sức đắn đo, chặt bỏ hay giữ lại vườn cây. 

Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?- Ảnh 1.

Cây bơ một thời gian giúp nông dân Tây Nguyên làm giàu với sản lượng cao, giá cả tốt.

Sản lượng năm nay quá thấp, chưa đến 30 tấn quả trong khi giá bán chỉ hơn 10.000 đồng/kg đối với bơ loại 1. Tổng thu chưa đến 200 triệu đồng, trừ các loại chi phí, lợi nhuận gần như không còn. 

Theo anh Phúc, trước đây trồng bơ 034 cho lợi nhuận cao, có thời điểm giá lên tới 200.000 đồng/kg. Nhưng 3-4 năm nay, giá càng ngày càng giảm trong khi do tác động của khí hậu, thời tiết cực đoan, cây bơ thường hay mất mùa.

Cũng đang thu hoạch nhưng không vui vẻ gì là trường hợp gia đình chị Lê Thị Thu Hường (ở xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). 

Với diện tích hơn 3ha trồng giống bơ 034, năm nay cũng chỉ cho thu hoạch gần 40 tấn, giảm hơn 40% so với mọi năm. Chất lượng quả bơ năm nay cũng kém đi khi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?- Ảnh 3.

Mùa vụ năm nay, cây bơ ở các tỉnh Tây Nguyên vừa mất mùa, vừa rớt giá.

"Vừa mất mùa, vừa mất giá, trong khi chi phí các khoản đầu tư như phân bón, điện, nước và nhân công lại tăng cao thế này thì nông dân chúng tôi chỉ biết khóc thôi. Giờ muốn chặt bỏ trồng cây khác như sầu riêng có giá cao chẳng hạn, nhưng lại lo đến lúc sầu riêng được thu lại mất giá giống bơ thì quá khổ", chị Hường chia sẻ.

Thương lái cũng gặp khó vì nguồn cung và chất lượng quả bơ giảm

Theo chị Trịnh Thị Hạnh, chủ vựa thu mua bơ tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, giá các loại bơ hiện tại khá thấp và có xu hướng tiếp tục giảm. 

Năm nay việc thu mua bơ cũng gặp khó khi nguồn cung thấp. Những năm trước, mỗi ngày chị có thể thu mua, xuất bán 5-6 tấn bơ 034 loại 1 một cách dễ dàng. Nhưng năm nay, để mua được 2 tấn/ngày là tương đối khó, chị phải huy động nhiều kênh từ nhà vườn, lái buôn nhỏ hơn.

Còn theo chị Nguyễn Thuý Hằng, chủ một vựa thu mua bơ ở huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông, vựa của chị chủ yếu thu mua các loại bơ chất lượng cao để phục vụ nhu cầu ở một số tỉnh thành phía Bắc, phía Nam và xuất khẩu sang thị trường các nước Campuchia, Thái Lan. 

Là lái buôn nhiều năm, chị Hằng cũng thấy thương thay cho bà con nông dân. Bà con làm ra quả bơ không dễ dàng, nhưng giá càng ngày càng tệ, thu nhập chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều.

Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?- Ảnh 5.

Do diễn biến thời tiết không thuận lợi, trời mưa và gió mạnh vào thời điểm bơ ra hoa dẫn đến tỷ lệ đậu quả không cao.

Chị Nguyễn Thương Thảo, chuyên thu mua bơ ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết tại nhiều vườn cây sau khi thương lái vừa hái xong trái là người dân phá bỏ luôn cây bơ vì giá trị kinh tế mang lại quá thấp. Chứng kiến nhiều vườn bơ 8-9 năm tuổi bị chặt bỏ, chị Thảo cũng cảm thấy xót xa.

Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?- Ảnh 6.

Thương lái cũng gặp khó vì nguồn cung và chất lượng quả bơ giảm.

Diện tích cây bơ ở các tỉnh Tây Nguyên đang giảm dần

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, thời hoàng kim của cây bơ là giai đoạn 2015-2019, với giá bán các loại bơ đặc sản như bơ 034, bơ Booth luôn ở mức 50.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá đạt đến 150.000 - 200.000 đồng/kg. 

Cũng vì đó, diện tích cây bơ giai đoạn này tăng nhanh, đến đầu năm 2020 toàn tỉnh đã đạt gần 4.500ha. 

Nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid-19, giá quả bơ giảm mạnh, đến nay vẫn chưa phục hồi, thậm chí có dấu hiệu tiếp tục giảm. Điều này khiến cho diện tích cây bơ trên địa bàn Đắk Nông giảm dần. Năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 3.200ha.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết với tình hình vụ bơ năm 2024 vừa mất mùa, vừa mất giá, nhiều khả năng diện tích sẽ tiếp tục giảm. Bà con nông dân có xu hướng thay thế bằng những loại cây trồng đang có giá khá tốt như sầu riêng, cà phê. 

Đã có lúc đạt 200.000 đồng/kg, tại sao giá loại trái cây giàu dinh dưỡng ở Tây Nguyên lại giảm đến vậy?- Ảnh 8.

Đã có thời điểm giá bơ đạt 200.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá bơ 034 chỉ ở mức 10.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, nông dân nên hết sức thận trọng việc chặt bỏ cây bơ. Công sức bỏ ra 5-7 năm để kiến tạo vườn bơ vào kinh doanh là không dễ dàng và chi phí cũng không rẻ. 

Chặt- trồng, trồng- chặt sẽ là một vòng luẩn quẩn. Những cây trồng thay thế cũng cần mất nhiều năm mới có thu. Do đó, thay vì chuyển đổi hàng loạt, nông dân nên chuyển đổi dần dần để chờ tín hiệu thị trường và cũng để có nguồn thu khi những cây trồng mới chưa có thu.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, tỉnh có diện tích cây bơ lớn nhất cả nước, trong một năm qua diện tích cũng đã giảm từ 9.500ha xuống còn khoảng 8.000ha. 

Tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích bơ lớn thứ 2 cả nước, diện tích cây bơ năm 2021 là 9.200ha tới cuối năm 2023 chỉ còn hơn 7.000ha và đang có xu hướng tiếp tục giảm dần.

Có thể thấy, những năm trở lại đây, cây bơ ở các tỉnh Tây Nguyên đang có những dấu hiệu bất ổn cả về diện tích, sản lượng, chất lượng và giá cả. Nhiều nông dân đang phải cân nhắc chặt bỏ hay giữ lại vườn cây khi mà giá bán liên tục xuống thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem