Ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, dân nuôi một con vật mọc thứ "đại bổ" trên đầu mà nhà nào cũng khá giả lên

Thứ tư, ngày 15/05/2024 16:51 PM (GMT+7)
Nhiều hộ dân xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.
Bình luận 0

Tại huyện biên giới Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum), đa phần người dân đều là công nhân của các công ty cao su trên địa bàn. Tuy nhiên, ngoài làm việc trong vườn cao su thì đa phần thời gian nhàn rỗi của người dân còn nhiều. 

Ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, dân nuôi một con vật mọc thứ "đại bổ" trên đầu mà nhà nào cũng khá giả lên- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Tiến tại xã biên giới Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) chăm sóc đàn hươu sao. Anh Tiến nuôi hươu sao, khai thác, bán nhung hươu. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN.

Xuất phát từ thực tế này, nhiều hộ dân tại xã Ia Dom đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.

Trước đây, ngoài thời gian làm công nhân cao su, gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) rất nhàn rỗi, có những tháng không cạo mủ thì không có thu nhập. 

Do đó, anh quyết tâm mày mò, học hỏi và bén duyên với mô hình nuôi hươu sao. Năm 2016, anh mua 2 cặp hươu giống để nuôi thử nghiệm nhưng do giống hươu không đảm bảo, bệnh tật nên chết. 

Không nản lòng, anh Nguyễn Xuân Tiến quyết tâm học hỏi cách nuôi hươu ở những tỉnh khác như Đắk Lắk, Thanh Hóa.

Ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, dân nuôi một con vật mọc thứ "đại bổ" trên đầu mà nhà nào cũng khá giả lên- Ảnh 3.

Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung mang về thu nhập gần 100 triệu đồng/năm của anh Nguyễn Xuân Tiến tại xã biên giới Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN.

Anh Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ, xuất phát từ lần thất bại đầu tiên, anh đã lựa chọn những giống hươu non khỏe mạnh để chăm sóc.

Sau hơn 1 năm, đàn hươu đã tăng trưởng tốt và có thể sinh sản. Hiện, tổng đàn hươu đã phát triển lên hơn 20 con, trong đó có 9 con đực để khai thác nhung và mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Nhận thấy mô hình nuôi hươu sao có nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện tại địa phương và cho kinh tế cao, nhiều người dân, nhất là những lao động làm công nhân cao su đã tham gia đầu tư, học hỏi theo mô hình của anh Nguyễn Xuân Tiến với mong muốn vươn lên thoát nghèo.

Anh Nguyễn Văn Lâm (thôn 4, xã Ia Dom) cho biết, nhờ vào sự thành công của anh Tiến, gia đình anh đã đầu tư 2 cặp hươu sao để nuôi. Đến nay, tổng đàn hươu đã phát triển lên 17 con. 

Ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, dân nuôi một con vật mọc thứ "đại bổ" trên đầu mà nhà nào cũng khá giả lên- Ảnh 5.

Nhung hươu sao tươi hiện có giá 15 triệu đồng/kg. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN.

Với giá bán hiện tại là 15 triệu đồng/kg nhung, kết hợp với chăn nuôi bò và tiền lương công nhân, gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng/năm và trở thành hộ khá giả trong vùng.

Các hộ gia đình tham gia nuôi hươu sao đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, xây dựng thương hiện và đưa nhung hươu trở thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chủ lực tại Ia H’Drai. Hiện, hợp tác xã phát triển được 15 thành viên, với 96 con hươu sao.

Với trang thiết bị được đầu tư bài bản, Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tiến đã có 2 sản phẩm từ nhung hươu được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; trong đó, có 6 sản phẩm có tiềm năng đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã nộp hồ sơ đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng. 

Nổi bật như các sản phẩm rượu nhung hươu, nhung ngâm mật ong, bột nhung hươu và nhung khô - tươi.

Ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, dân nuôi một con vật mọc thứ "đại bổ" trên đầu mà nhà nào cũng khá giả lên- Ảnh 7.

Các sản phẩm từ nhung hươu sao. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN.

Đa phần các sản phẩm được người mua đón nhận, đánh giá cao nhờ chất lượng và do nhu cầu của người tiêu dùng mua về để bồi bổ sức khỏe.

Nhờ đó, tổng doanh thu của hợp tác xã trong năm 2023 đạt gần 800 triệu đồng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân tại vùng biên giới Ia H’Drai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Dom (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) Lê Đức Hùng cho biết, xã đã phân bổ nguồn vốn 250 triệu đồng để Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tiến tiếp tục đầu tư vào trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP từ nhung hươu. 

Bên cạnh đó, xã tiếp tục thực hiện chương trình khuyến nông về hỗ trợ người dâm trồng sâm cau để đa dạng hóa các sản phẩm.

Do đặc thù là vùng biên giới với điều kiện còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân đến phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái và tạo dựng sản phẩm đặc trưng của huyện; trong đó, chú trọng rà soát, lựa chọn những mô hình sản xuất được người dân thử nghiệm có hiệu quả để tiếp tục phát triển, phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn khẳng định, đối với sản phẩm từ nhung hươu, huyện đã xây dựng dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhung hươu sao. 

Nguồn vốn được huyện trích xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ bà con về giống, xây dựng chuồng trại và công lao động. Từ đó, hướng đến hình thành nên sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao đầu tiên của huyện.

Việc hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao cũng góp phần lớn vào việc giúp các xã trên địa bàn huyện Ia H’Drai sớm hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến về đích nông thôn mới nâng cao; đồng thời, góp phần mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, xây dựng huyện biên giới Ia H’Drai ngày càng phát triển.

Khoa Chương (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem