Nông nghiệp đô thị ở Bình Dương: Đa dạng mô hình, nâng cao hiệu quả

Thuận An Chủ nhật, ngày 19/11/2023 10:35 AM (GMT+7)
Hiện nay, khu vực phía Nam Bình Dương có nhiều loại hình nông nghiệp đô thị được đầu tư hiệu quả, góp phần vào chuỗi giá trị gia tăng bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả.
Bình luận 0

Làm nông nghiệp giữa đô thị ở nơi dày đặc khu công nghiệp

Từ lâu, TP.Dĩ An đã nổi tiếng với những khu công nghiệp, khu dân cư, những ngôi chợ sầm uất. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp.

Nếu TP.HCM quy hoạch các khu vực ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, với hạt nhân là khu nông nghiệp công nghệ cao tại Củ Chi, thì Bình Dương tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại phía Bắc. Riêng tại TP.Dĩ An, chính quyền, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển loại hình nông nghiệp đô thị theo hướng chuyên canh hàng hóa.

Qua đó, khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp đô thị nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Anh Lê Công Hiệp ở phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) đầu tư 16 hồ nuôi lươn không bùn với kinh phí 120 triệu đồng. Anh thả nuôi với số lượng hơn 40.000 con.

Mô hình nuôi lươn không bùn tuần hoàn nước vừa đảm bảo môi trường cho khu vực đô thị và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thuận An

Mô hình nuôi lươn không bùn tuần hoàn nước vừa đảm bảo môi trường cho khu vực đô thị và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thuận An

Mô hình này được đầu tư theo hệ thống nuôi lương tuần hoàn. Nghĩa là, nước trong hồ nuôi không thải ra môi trường mà được tận dụng để xử lý thông qua hệ thống xử lý nước. Sau đó nước được cấp lại cho hồ nuôi nuôi lươn, đảm bảo môi trường cho khu vực đô thị và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở phường Dĩ An, ông Phạm Hồng Tích có đam mê nghệ thuật sinh vật cảnh từ thời trẻ. Ông Tích cho biết, nghề trồng và kinh doanh bonsai, hoa kiểng có nhiều tiềm năng phát triển, phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại, nhu cầu xây dựng, trang trí nhà cửa, văn phòng, tạo mảng xanh đô thị.

Bên cạnh sự năng động, sáng tạo và nỗ lực của bản thân, thời gian qua, Hội Nông dân, chính quyền TP.Dĩ An đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển loại hình nông nghiệp đô thị theo hướng chuyên canh hàng hóa.

Nhờ đó, ông không ngừng học hỏi, sưu tầm tích lũy để mở mang nghề trồng kiểng. Không ít người đã tìm mua tác phẩm tạo hình của ông với giá hàng chục triệu đồng. Hiện nay, ông có 2 điểm trồng và kinh doanh cây kiểng ở TP. Dĩ An với số vốn đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng.

Ông Phạm Hồng Tích phát triển nông nghiệp đô thị trên lĩnh vực sinh vật cảnh. Ảnh: NVCC

Ông Phạm Hồng Tích phát triển nông nghiệp đô thị trên lĩnh vực sinh vật cảnh. Ảnh: NVCC

Ông Đặng Văn Năm - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Dĩ An cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực chịu sự chi phối, tác động rõ nét nhất trong quá trình đô thị hoá tại Dĩ An.

Từ chỗ đất nông nghiệp bị thu hẹp, nông dân Dĩ An phải lựa chọn đầu tư các mô hình vừa đảm bảo được môi trường, cảnh quan đô thị, vừa cần ít diện tích mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, TP.Dĩ An có khoảng 86.700m2 đất sản xuất nông nghiệp đô thị. Nhiều mô hình đã có bước phát triển mạnh như: mô hình trồng lan cắt cành, bon sai cây kiểng, trồng nấm, trồng dưa lưới… Chất lượng và hiệu quả kinh tế của các mô hình này ngày càng được nâng cao.

Mô hình trồng rau trong nhà kính của nông dân TP.Thuận An. Ảnh: Thuận An

Mô hình trồng rau trong nhà kính của nông dân TP.Thuận An. Ảnh: Thuận An

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, định hướng nông nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2030 là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn phát triển du lịch ở các huyện phía Bắc của tỉnh.

Riêng các vùng đô thị phía Nam Bình Dương sẽ tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Hiện nay, diện tích đất trồng trọt của tỉnh là 142.772ha. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị là hơn 940ha, tăng 24 % so với năm trước, với các loại cây trồng chủ yếu như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.

Từ việc đổi mới tư duy, toàn tỉnh đã hình thành 45 loại hình nông nghiệp đô thị với 4 nhóm chăn nuôi và 6 nhóm trồng trọt. Việc phát triển đa dạng các mô hình nông nghiệp đô thị đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.

"Việc phát triển đa dạng, hiệu quả các mô hình nông nghiệp đô thị đã khai thác tốt giá trị từ nông nghiệp đô thị khu vực phía Nam Bình Dương", Giám đốc Sở NNPTNT  Phạm Văn Bông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem