Công nhân Công ty Điện lực Hoàn Kiếm (EVNHANOI) gia cố cột điện tại 35 Hàng Bài
Nhiều tỉnh thành phía Bắc lưới điện bị ảnh hưởng nặng do cây xanh đổ vào đường dây
EVN cho biết, đối với lưới điện phân phối, số cột điện trung áp bị gẫy đổ theo thống kê đến hôm nay như sau: Thái Bình: 295 cột, Nam Định: 1200 cột, Hà Nam 305 cột, Ninh Bình 185 cột, Hải Phòng: 20 cột.
Một số khu vực bị ảnh hưởng nhẹ như Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, các đơn vị điện lực trên địa bàn đã khắc phục ngay và cấp điện ổn định trở lại.
Cũng theo Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN EVN, các hồ chứa thủy điện của EVN vận hành bình thường, không xả lũ, các nhà máy điện trong vùng ảnh hưởng của bão vận hành bình thường. Đối với lưới điện truyền tải vận hành ổn định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các công ty điện lực tập trung mọi nỗ lực để cấp điện lại cho các trạm bơm tiêu úng còn lại thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.
Các đơn vị ngành Điện đang nỗ lực khắc phục sự cố lưới điện do bão số 1 gây ra - Ảnh Minh Ngọc
Theo báo cáo nhanh của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), bão số 1 đổ bộ vào khu vực Nam Định, Thái Bình từ 22 giờ đêm ngày 27.7. Mưa bão lớn, giông lốc đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện nhiều tỉnh khu vực Bắc Bộ.
Tại Thái Bình, bão số 1 gây gãy 26 cột, đổ nghiêng 269 cột trung thế, ngừng cấp điện 25 trạm bơm chống úng đầu mối, lưới điện hạ thế…
Tỉnh Nam Định có 85 lộ đường dây trung thế bị mất điện; 3.069 trạm biến áp bị ảnh hưởng gây mất điện cho 675.000 khách hàng; 2.500 cột bị gãy, đổ; 5.700 vị trí cột bị nghiêng; 102 km đường dây bị đứt; hỏng 1.400 xà và 6.000 bộ sứ…
Chưa kể thiệt hại về điện tại các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên… khiến hàng nghìn khách hàng bị mất điện do các đường dây trung áp, trạm biến áp bị ảnh hưởng do bão; nhiều nơi chưa kiểm tra thống kê “chốt” toàn bộ các thiệt hại được.
Hiện nay, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vì vậy nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Thêm nữa, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương hôm nay cho biết, đang tồn tại một áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 7-8. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn có khả năng mạnh thêm và hướng về phía Biển Đông.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đánh giá: Có tới 80% vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 29.7 và mạnh lên thành bão trong ngày 30.7. 70% khả năng bão sẽ vượt qua đảo Luzon (Philippines) để đi vào Biển Đông. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An đã yêu cầu Tổng công ty điện lực miền Bắc và các đơn vị điện lực cần chủ động ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, công nhân viên, các đơn vị phối hợp khắc phục sự cố điện và đảm bảo an toàn, cung cấp điện cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.