Đà Nẵng: Bị 'chặt chém', du khách 'cắn răng' chịu

Thứ tư, ngày 01/05/2013 14:58 PM (GMT+7)
Dân Việt - Mặc dù Đà Nẵng có nhiều phương án kiếm soát giá cả trong hai ngày diễn ra cuộc thi nhưng du khách và người dân đến thành phố xem pháo hoa vẫn bị chặt chém và đành phải “cắn răng” chịu.
Bình luận 0

Dịch vụ ăn theo

Theo khảo sát, trong thời điểm diễn ra cuộc thi, mỗi loại mặt hàng đồ ăn đều tăng khoảng 3.000-10.000 tùy theo từng loại. Giá các loại nước uống từ 10.000-20.000/ chai, mì quảng 20.000-25.000 đồng/tô; bánh canh 17.000-25.000…

Có lẽ dịch vụ nóng nhất trong hai ngày bắn pháo hoa là dịch vụ taxi. Phải gửi xe hoặc đi bộ cả 2,3 km nên nhiều người nhờ đến dịch vụ taxi. Tuy nhiên, để có xe mà đi, nhiều người phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ.

Chị Nguyễn Thị Hà (du khách thành phố Hồ Chí Minh) gọi taxi trước 30 phút, thế nhưng chị vẫn phải đợi gần cả tiếng đồng hồ nữa vẫn chưa thuê được xe taxi.

img
 
img
Rác sau lễ hội pháo hoa.

Đặc biệt, sau khi tiếng pháo cuối cùng vừa dứt trên nền trời, du khách nườm nượp ra về, dịch vụ taxi bỗng trở nên “sốt”, một mặt do đường phố kẹt xe lúc tan tầm pháo hoa mặt khác do nhu cầu đi lại tăng cao đột biến.

Ngoài ra, du khách mua vé xem pháo hoa trên thuyền giá 500.000 đồng/người cũng rất ấm ức bởi quảng cáo ban đầu sẽ đậu ở vị trí đẹp để xem, nhưng thực tế các thuyền bị cấm vào khu vực bắn pháo hoa nên du khách bỏ tiền nhiều hơn cả vé khán đài B4, B5 (400.000 đồng/vé) mà vị trí ngồi xem không đẹp bằng.

Có người bỏ ra 300.000 đồng/vé để mua vé mời vào khu vực khán đài, nhưng vào thì không có chỗ để xem, vẫn phải đứng chen chân…

Giữ xe đua nhau "chặt chém"

Mặc dù các lực lượng chức năng của thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “chặt chém” ở các điểm trông giữ xe phục vụ cho lễ hội pháo hoa quốc tế 2013 thế nhưng, trong hai đêm diễn ra của cuộc thi, hàng trăm điểm giữ xe tự phát vẫn đua nhau “chém” khiến nhiều người đi xem phải “cắn răng” trả tiền.

Tại nhiều điểm giữ xe tự phát ở khu vực ngã ba Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng… giá giữ xe đều lấy ở mức 20.000 đồng/xe. Khi người gửi phản đối giá giữ đắt thì nhận được những câu chửi tục từ người trông xe.

Thậm chí, một số người trông xe trên tuyến đường Ngô Quyền (không có biển đăng ký với UBND phường) còn hăm dọa, đòi đuổi đánh khi thấy phóng viên ghi hình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khách gửi xe phải trả giá gấp 4-5 lần so với quy định. Mặc dù Sở công thương có số điện thoại đường dây nóng để giải quyết nhưng hầu như người dân vẫn bấm bụng chấp nhận chứ không có thời gian đôi co, gọi đường dây nóng.

Ban đầu, hầu hết các điểm trông giữ xe tự phát đều không niêm yết giá theo quy định của thành phố. Chỉ đến khi các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các điểm trông giữ xe này mới thực hiện việc niêm yết giá theo quy định.

Theo quy định của thành phố, gửi xe đạp 2.000 đồng, xe máy 5.000 đồng, ôtô từ 9-30 chỗ ngồi 50.000 đồng và ô-tô trên 30 chỗ ngồi là 70.000 đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi lực lượng chức năng có mặt thì nhiều nơi giữ xe máy tự phát lấy đúng giá 5.000 đồng, nhưng khi lực lượng này vừa đi khỏi, họ tiếp tục lấy giá 20-30.000 đồng/xe máy… Khi khách hỏi sao đắt vậy, người giữ vẫn thản nhiên nói, thích thì gửi.

Theo quan sát, hầu như các điểm giữ xe không treo biển niêm yết giá. Khi có đoàn kiểm tra, họ đưa biển lên. Khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi, các điểm giữ xe lập tức tháo dỡ bảng niêm yết giá xuống.

Cuộc thi pháo hoa Quốc tế năm 2013 diễn ra thành công với chức vô địch thuộc về đội Mỹ. Tuy nhiên những “hạt sạn” trong hai đêm diễn ra cuộc thi pháo hoa đã làm cho cuộc thi pháo hoa Quốc tế năm 2013 vẫn chưa đẹp trong lòng du khách đến với Đà Nẵng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem