Đà Nẵng chỉ muốn phân bố lại dân cho đồng đều

Thứ năm, ngày 12/04/2012 14:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Đà Nẵng không cấm cửa người nhập cư, mà chỉ muốn phân bố lại dân số cho đồng đều, tránh tình trạng tập trung một nơi quá đông đúc" - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng khẳng định.
Bình luận 0

Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu HĐND TP.Đà Nẵng hủy bỏ quy định hạn chế nhập cư. Xung quanh vấn đề này, ngày 11.4, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Bá Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng - cơ quan có đóng góp quan trọng cho việc ra đời Nghị quyết 23 của HĐND thành phố.

Ông Sơn nói: Chúng tôi phấn đấu để Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Mà muốn vậy thì không thể để xảy ra tình trạng quá tải dân số, dẫn tới kẹt xe, quá tải bệnh viện, trường học, rồi ô nhiễm môi trường... Để thực hiện, chúng tôi đề ra các biện pháp cụ thể, trong đó có tiêu chí dành cho người nhập cư mà Nghị quyết 23 đề cập.

img
Người dân tìm hiểu thủ tục nhập khẩu vào Đà Nẵng.

Sau khi Cục Kiểm tra văn bản có công văn phản ứng, thành phố còn nhận sự phản ứng của cơ quan nào khác?

- Ngoài Cục Kiểm tra văn bản có công văn gửi HĐND thành phố thì chưa có một ý kiến hay một công văn nào của các cơ quan chức năng khác về vấn đề này. HĐND TP.Đà Nẵng đang chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Vậy trong thời gian chờ kết luận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng vẫn “cấm cửa” người nhập cư?

- Chúng tôi khẳng định là Đà Nẵng không cấm cửa người nhập cư, mà chỉ muốn phân bố lại dân số cho đồng đều, tránh tình trạng tập trung một nơi quá đông đúc làm cho hệ thống giao thông đô thị, bệnh viện, trường học... bị quá tải.

Có rất nhiều người dân bức xúc khi họ bị đưa ra so sánh để xem xét nhập cư vào Đà Nẵng theo Nghị quyết 23 của HĐND thành phố, ông nghĩ gì?

- Chúng tôi chỉ đưa ra một số tiêu chí cho 2 quận nội thành là Thanh Khê và Hải Châu. Hai quận này hiện đã khá đông dân. Nếu tiếp tục để nhập cư ồ ạt thì không bao xa, nội thành Đà Nẵng sẽ “loạn”.

Ví dụ hiện nay có rất nhiều lao động bán vé số, hàng rong tập trung vào 2 quận này. Họ tập trung hơn 10 người vào 1 phòng chừng 7 - 8m2, ăn ở chật chội, khổ sở. Tại sao họ không ra vùng ven như Ngũ Hành Sơn hay Sơn Trà, Cẩm Lệ, thưa dân cư mà giao thông cũng thuận tiện?

Nếu họ muốn gắn bó với Đà Nẵng thì đâu nhất thiết phải nhập cư vào Thanh Khê và Hải Châu, họ có thể làm việc ở đây nhưng thường trú ở những quận ngoại ô.

Chúng tôi mong rằng, Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét cẩn trọng và thấu đáo cho công việc của Đà Nẵng, vì hiện nay 2 thành phố trực thuộc T.Ư là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã quá tải về dân số làm các cấp chính quyền vất vả để giải quyết nhiều việc nhưng không thể triệt để.

Ông có nghĩ rằng khi ban hành Nghị quyết 23 là Đà Nẵng đã vượt­ quá thẩm quyền?

- Nghị quyết 23 là hoàn toàn phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 về thẩm quyền phân bố dân cư trên địa bàn; Pháp lệnh Dân số năm 2003, Luật Cư trú năm 2006, cũng như xuất phát từ thực tế yêu cầu quản lý dân cư trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện nay. Nói ở đây ai đúng ai sai thì quá nhạy cảm vì đôi khi văn bản luật cũng chồng chéo và xung đột lẫn nhau, quan trọng là có phù hợp với thực tế từng địa phương

Cũng cần nhắc lại rằng, Đà Nẵng nhiều lần tiên phong đề xuất nhiều mô hình hay, được Quốc hội và Chính phủ đánh giá cao. Như việc không thu phí xe máy, xe đạp tại các bệnh viện, hay hợp nhất chức danh Bí thư, HĐND và Chủ tịch UBND một số quận, phường... Cái gì mới làm đều có băn khoăn, thậm chí xung đột, phải làm mới biết có đúng và phù hợp thực tiễn hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem