Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn số 65 gửi HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú, việc xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông... nêu trong Nghị quyết số 23 của Đà Nẵng.
Trái luật
Tại công văn này, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) - cho biết, việc kiểm tra Nghị quyết 23 được tiến hành khách quan, công khai với sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành T.Ư có liên quan và đại diện các ban ngành liên quan của Đà Nẵng.
|
Chọn thí điểm siết nhập khẩu, nhưng quận Hải Châu chưa nhận được văn bản hướng dẫn (ảnh chụp tại trung tâm hành chính quận Hải Châu ngày 3.2). |
Về điểm 9, khoản 3, Điều 1, Nghị quyết số 23 quy định: “Tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp có chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự”. Điều này trái với Điều 20 của Luật Cư trú.
Nhưng Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng lại cho rằng điều này căn cứ vào Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Luật Cư trú năm 2006 cũng như xuất phát từ thực tế của Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Cục KTVBQPPL nhận thấy, các Luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền “tạm dừng” (ngừng) hiệu lực của Luật Cư trú để tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân đã được Quốc hội trao cho họ.
“Luật Cư trú được ban hành sau Luật Tổ chức HĐND và UBND. Luật Cư trú có những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện… được nhập hộ khẩu thường trú vào một địa bàn hành chính, do vậy, không thể viện dẫn Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về thẩm quyền của HĐND để đưa ra các quy định trái với Luật Cư trú” - Cục trưởng Sơn khẳng định.
Không đúng thẩm quyền
Về quy định “đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày”, qua kiểm tra, đối chiếu, Cục nhận thấy trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 32 quy định “tạm giữ mô tô, xe máy 90 ngày” và Nghị định 34 về việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có quy định thời hạn giữ xe là 10 ngày.
Về quy định tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Cục KTVBQPPL cho rằng, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo Luật Doanh nghiệp, Đà Nẵng cần phải quy định thời hạn cụ thể của việc “tạm dừng đăng ký” và các điều kiện kèm theo.
Do cả Nghị quyết 32 và Nghị định 34 đều quy định về vấn đề này, do đó, theo nguyên tắc quy định tại khoản 3, Điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc áp dụng hình thức tạm giữ phương tiện vi phạm phải thực hiện theo quy định của Nghị định 34 (thời hạn 10 ngày). Như vậy, có thể thấy Nghị quyết số 23 của HĐND TP.Đà Nẵng không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định về thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì Chính phủ là nơi ra quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả… Do đó, việc HĐND TP.Đà Nẵng trực tiếp đưa ra hình thức xử lý là không đúng thẩm quyền.
Từ những phân tích trên, Cục KTVBQPPL đề nghị HĐND TP.Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông. “Nội dung trái pháp luật của Nghị quyết 23 phải được HĐND TP.Đà Nẵng tự xử lý, hủy bỏ ngay tại kỳ họp tới đây của HĐND thành phố” - Cục trưởng Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.