“Vấn đề này chưa có gì hết. Mọi thứ phải có quy chuẩn, có trao đổi, có bàn luận mới thành vấn đề để mà trả lời được…” - ông Xuân Anh nói ngắn gọn.
Ngày 11.8, thông tin bất ngờ về việc chính quyền TP.Đà Nẵng có xem xét tới phương án di dời các sở, ban, ngành khỏi tòa nhà Trung tâm hành chính (TTHC) thành phố khiến nhiều đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng và người dân đặc biệt quan tâm.
Một đại biểu đã đặt ra câu hỏi liệu có phải tòa thị chính (còn gọi là tòa nhà TTHC 33 tầng) thành phố cung cấp thiếu ô xy, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên làm việc trong tòa nhà này. Ngoài ra, tòa nhà này đặt tại vị trí không hợp lý gây ùn tắc giao thông?
Tòa thị chính 33 tầng bên cạnh KS Novotel (Ảnh: Nam Cường).
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố bác bỏ ý kiến cho rằng tòa thị chính nhà TTHC đặt sai vị trí gây ùn tắc giao thông.
“Việc ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, bảo tòa nhà đặt sai vị trí gây ùn tắc là không đúng. Hơn nữa, thời gian tới thành phố đang lên phương án xây dựng nút giao thông qua sông Hàn ở trước tòa nhà nên có hay không việc di chuyển TTHC cũng không phải vì nguyên nhân ách tắc giao thông được” - ông Trung nói.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng thiết kế của tòa nhà “có thể” là không còn hợp lý. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết: “Về vấn đề thanh tra kỹ thuật, thiết kế, xây dựng tòa nhà này do Bộ Xây dựng thẩm định vì đây là công trình cấp 1. Lâu nay tôi phân công anh Lâm (Phó giám đốc Sở) theo dõi các công trình cấp 1. Giờ sợ tôi nói ra nó không chuẩn. Tôi sẽ cho kiểm tra lại về vấn đề này và trả lời trong ngày mai”.
Anh Nguyễn H (nhân viên làm việc trong tòa nhà TTHC) chia sẻ: “Tòa nhà được thiết kế với số lượng người tham gia làm việc nhất định. Nếu đi làm bình thường thì không sao. Tuy nhiên, khi cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành tập trung họp tại phòng họp của đơn vị họ thì hiện tượng thiếu ô xy xảy ra do số lượng người tập trung quá đông, lưu lượng ô xy vào không đủ. Việc này rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của các chị em phụ nữ, đặc biệt phụ nữ có bầu”.
Anh này cũng cho biết, “khi thiếu ô xy, tòa nhà được bơm không khí nhưng lượng không khí này cũng chỉ đủ cho số lượng người cố định như thiết kế rồi, không thể bơm nhiều hơn được”.
Theo anh Trần Anh (kiến trúc sư), tòa nhà TTHC được thiết kế để cho cơ quan hành chính làm việc nên các thiết bị máy móc tập trung. Còn tòa nhà khách sạn Novotel bên cạnh hoạt động được bình thường vì thiết kế khác hoàn toàn. Hệ thống thông gió, điều hòa các phòng, các tầng đều riêng biệt... Việc tòa nhà TTHC thiếu ô xy là có cơ sở.
Người dân đến giao dịch tại phòng một cửa TTHC (Ảnh: Nam Cường).
Trước đó, sáng cùng ngày, trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho hay, tòa nhà TTHC đã đi vào hoạt động 3 năm nay với nhiều ưu điểm như các cơ quan hành chính hoạt động tập trung, góp phần vào việc năng cao năng lực cải cách hành chính, đóng góp vào chỉ số cạnh tranh PCI. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, tòa nhà đã bộc lộ một số tồn tại bất cập như không khí chưa sạch, nhiệt độ trong tòa nhà quá nóng. Hiện việc xây dựng Khu hành chính mới đã giao cho nhiều ngành nghiên cứu, đánh giá và đề xuất lấy ý kiến rộng rãi.
Tòa nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng mới được đưa vào sử dụng vào ngày 8.9.2014. Tòa nhà nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, cao 37 tầng với diện tích sử dụng 65.234 m2 là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức thành phố.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.