Đà Nẵng đón đầu thu hút ngành chip vi mạch, bán dẫn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Đà Nẵng đón đầu thu hút ngành chip vi mạch, bán dẫn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Đình Thiên
Thứ ba, ngày 10/10/2023 12:52 PM (GMT+7)
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm và ký Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, chính quyền TP.Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động để tìm hiểu, thu hút đầu tư ngành chip vi mạch, bán dẫn.
Trong bài phát biểu tại buổi họp báo chung tối 10/9 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhấn mạnh rằng: "Hai bên sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn".
Những cam kết của Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm vừa qua cộng với việc Mỹ ban hành đạo luật chip đã có tác động rõ rệt đến các quốc gia Đông Nam Á và mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới.
Nhiều thuận lợi cho ngành bán dẫn phát triển
Không đứng ngoài cuộc đối với cơ hội lớn để có tên trong bản đồ ngành kinh tế hấp dẫn này, TP.Đà Nẵng, một trong những địa phương lâu nay đang tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch đã nhanh chóng có nhiều hoạt động xúc tiến, tìm hiểu và thu hút đầu tư đối với ngành sản xuất chip bán dẫn.
Phát biểu tại "Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra tại Đà Nẵng" diễn ra vào ngày hôm nay (10/10) do Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới.
Theo ông Bình, ngành bán dẫn thiếu 1 triệu nhân sự trên toàn cầu trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực Công nghệ thông tin trẻ. Đặc biệt, Chính phủ ra Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và giao cho các Bộ ngành dự kiến đào tạo khoảng 30.000 – 50.000 nhân lực trong tương lai.
"Thực tế này cho thấy Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Lãnh đạo thành phố có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. Đà Nẵng cũng có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn như có khu Công nghệ cao, diện tích 5 - 100 ha cho nhà đầu tư. Đà Nẵng cũng có nguồn đất sạch, có không gian 300 ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo và có cả Nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới cho vay…", ông Bình phân tích.
Ông Bình cho rằng, Đà Nẵng cần phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, vi mạch có năng lực cao bằng nhiều cách như hợp tác với các trường Đại học và viện nghiên cứu để triển khai các khóa học, thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc hay xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến.
"Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần phát huy hình ảnh môi trường thân thiện và thu hút đầu tư bằng cách tối ưu hóa các quy trình quản lý, ưu đãi thuế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phát triển trung tâm về chuỗi cung ứng và kho bãi, trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực Đông Nam Á, rồi tới châu Á - Thái Bình Dương..."ông Bình góp ý.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, trong Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Đến nay, Đà Nẵng có 46.000 nhân lực công nghệ số, có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP.HCM) và gấp 3 lần trung bình toàn quốc. Đồng thời xác định mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố và phấn đấu đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm...
"Như vậy, từ chủ trương, kết quả quan hệ và hợp tác quốc tế đã mở ra cho Việt Nam nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng trong việc tham gia chuỗi cung bán dẫn, vi mạch toàn cầu", Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thông tin.
Là nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao cho Đà Nẵng, đại diện trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trong 2 năm tới ngoài việc bổ sung vào đội ngũ giảng dạy, trường đã có phương án phối hợp với các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng các khóa đào tạo về bán dẫn để cung cấp kĩ sư cho mảng thiết kế hệ thống nhúng, vi điều khiển, thiết kế vật lý cho mạch số, kiểm thử định thời cho vi mạch số…, dự kiến cung cấp 150-200 kỹ sư hằng năm.
Riêng năm 2024, trường dự kiến mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư "Thiết kế vi mạch", bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024-2025. Chuyên ngành mới sẽ cung cấp hằng năm 60-100 nhân lực chuyên sâu, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng.
"Trường dự định mở các chuyên ngành đào tạo đặc thù kết hợp với doanh nghiệp tài trợ các khoản chi phí và sinh viên sẽ cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Đây là một mô hình đã được triển khai rất thành công tại Hàn Quốc do các công ty Điện tử Samsung, SK Hynix khởi xướng và cũng bắt đầu lan ra tại Đài Loan.
Đồng thời, để mở rộng mạng lưới đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tài nguyên, trường sẽ kí kết văn bản ghi nhớ hợp tác với các đại học lớn trong nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn...", đại diện Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.