Theo UBND quận Liên Chiểu, tại địa bàn phường Hòa Minh và phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nơi có dự án ga đường sắt (mới) chậm triển khai nhiều năm nay. Hiện nhà cửa của người dân trong khu vực xuống cấp trầm trọng nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch dự án nên không được phép nâng cấp, xây dựng. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở của một bộ phận người dân thực sự bức xúc. Dân số cơ học lại phát triển nhanh nên việc mua bán, chuyển nhượng đất và làm nhà vẫn xảy ra.
Theo ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, mặc dù UBND quận đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát nhưng vừa qua, thông tin dự án ga đường sắt sắp triển khai nên có một số hộ bất chấp, đối phó để lén lút xây dựng nhà vào ban đêm, ngày nghỉ lễ dù chất lượng không đảm bảo.
Để quản lý tình trạng trên, ông Hưng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng cho xây dựng đề án giải tỏa, thu hồi đất dự án ga đường sắt tại phường Hòa Minh.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết sẽ sử dụng thiết bị bay quản lý xây dựng trái phép (ảnh Đình Thiên).
Liên quan đến vấn đề này, Sở KHĐT TP.Đà Nẵng cho rằng, dự án ga đường sắt (mới) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có quy mô lớn với diện tích hơn 78,4.000ha, và tiến độ thực hiện có thể kéo dài trong nhiều năm nên kiến nghị xây dựng đề án giải tỏa đền bù, thu hồi đất ở đây không khả thi.
Sở KHĐT TP.Đà Nẵng đề nghị quận Liên Chiểu thường xuyên thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án hiểu rõ các chính sách trong công tác bồi thường tái định cư cũng như những thiệt hại khi xây dựng, cơi nới trái phép. Còn sở Nội Vụ TP.Đà Nẵng cho biết, sẽ đề nghị bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc cho Đội kiểm tra quy tắc đô thị của quận Liên Chiểu để tăng cường công tác kiểm tra.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, người dân bị ảnh hưởng vì dự án ga đường sắt chậm triển khai thành phố sẽ có các chính sách phù hợp. Tuy nhiên, các quyết sách liên quan dự án này do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các địa phương nơi dự án này đi qua phải tăng cường công tác kiểm tra để tránh các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm, cơi nới xảy ra.
“Thời gian tới thành phố sẽ sử dụng thiết bị bay để giám sát việc xây dựng trái phép. Ai xây dựng trái phép, lấn chiếm, cơi nơi sai phép sẽ phát hiện ra ngay và xử lý mạnh tay”, ông Thơ cho biết.
Dự án ga đường sắt Đà Nẵng (mới) được công bố quy hoạch từ năm 2004. Đến nay qua hơn 13 năm, dự án này vẫn chưa được xây dựng. Vào năm 2008, 2010, 2012, 2016 và mới nhất là đầu năm 2017, Đà Nẵng đã công bố quy hoạch khu vực để phục vụ việc di dời ga đường sắt. Trong khoảng thời gian này có gần 2.000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch phải chịu cảnh sống tạm bợ vì nhà của xuống cấp, đường sá hư hỏng nhưng không thể sửa chữa, xây mới hay cơi nới...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.