Đà Nẵng: "Mọc" thêm hơn 700 lô đất TĐC cạnh 2 nhà máy thép ô nhiễm

Đình Thiên Thứ hai, ngày 08/10/2018 13:18 PM (GMT+7)
Chỉ một năm sau khi Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân sống cạnh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, đã có hơn 700 lô đất TĐC “mọc” thêm tại khu vực này.
Bình luận 0

Ngày 8.10, thông tin từ Thanh tra TP.Đà Nẵng cho hay, trong đợt thanh tra sai phạm của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (thôn vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đơn vị này đã đồng thời thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2.

Theo đó, sau khi thanh kiểm tra, Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận, từ năm 2008 - 2018, UBND huyện Hòa Vang đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 29 hồ sơ với diện tích 4.213m2. Tuy nhiên, tất cả diện tích đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều không căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng quy định… Đồng thời, việc cho tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có một số hạn chế, thiếu sót.

Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng kết luận, tại khu vực thanh tra có 10 trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp vi phạm điều Luật Đất đai. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào thể hiện việc xử lý của UBND xã Hòa Liên, UBND huyện Hòa Vang đối với các trường hợp sai phạm trên. Điều này cho thấy, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang qua các thời kỳ đã không xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định.

Vì vậy, Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cùng bộ phận tham mưu... và yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên.

img

Người dân Đà Nẵng nhiều lần bao vây 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý. Ảnh: Đình Thiên

Đặc biệt, trong kết luận của Thanh tra TP.Đà Nẵng thể hiện một chi tiết rất đáng quan tâm: Để xử lý ô nhiễm khu vực quanh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, UBND TP.Đà Nẵng chủ trương di dời, giải tỏa và bố trí TĐC cho các hộ dân. Tuy nhiên, chỉ sau một năm (tính từ tháng 1.2017 - 2.2018), tại khu vực này đã “mọc” thêm 714 lô đất TĐC, từ 500 lô vào năm 2017 lên thành 1.214 lô vào năm 2018.

Liên quan đến vấn đề trên, Thanh tra TP.Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, việc để "mọc" lên 714 lô đất này là do sai lệch trong việc kiểm đếm. Cụ thể, Trung tâm phát triển quỹ đất cho rằng, vào thời điểm tháng 1.2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tạm đếm trên cở sở nóc nhà hiện trạng, chưa triển khai kiểm đếm thực tế và đếm ra con số là 500 lô. Còn đến thời điểm tháng 2.2018, qua kiểm đến thực tế và hồ sơ pháp lý do chủ hộ cung cấp, con số này là 1.214 lô.

Việc tăng thêm 714 lô đất TĐC chỉ trong một năm ở khu vực 2 nhà máy thép gây ô nhiễm khiến chính quyền TP.Đà Nẵng thêm khó khăn trong việc xử lý vấn đề “nóng” tồn tại nhiều năm nay.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho rằng: “Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố quyết tâm giải quyết tình trạng người dân phải chịu cảnh sống ô nhiễm cạnh 2 nhà máy thép. Tuy nhiên, việc chỉ phải bố trí chưa đến 500 lô đất TĐC thành hơn 1.200 lô đất đã khiến quỹ đất quy hoạch TĐC của thành phố đưa ra bị vỡ. Còn việc di dời nhà máy thép đi nơi khác cũng gặp khó khăn khi không có nơi nào phù hợp...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem