Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phụ huynh bối rối
Những ngày qua, chị Phan Thị Mai Ly (quận Cẩm Lệ), phụ huynh học sinh lớp 3 trường Tiểu học Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ "chạy nước rút" để ôn tập bài cho con. Theo chị Ly, con chị đã nhận được nội dung ôn tập học kỳ I từ giáo viên chủ nhiệm từ nhiều tuần qua nhưng gia đình vẫn rất bối rối vì không biết phải ôn tập cho con như thế nào để phù hợp.
"Nhiều tháng qua cháu học online tại nhà, gia đình cũng đã rất vất vả để đảm bảo đủ kiến thức cho cháu. Nghĩ là dịch ổn định thì thiếu chỗ nào thầy cô bù vào chỗ đấy, bây giờ thì thi luôn tại nhà nên tôi lo lắm", chị Ly nói.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn về việc đảm bảo tính công bằng theo hình thức kiểm tra trực tuyến.
"Việc kiểm tra theo hình thức trực tuyến được thực hiện như thế nào, giám sát ra sao cũng là điều rất quan trọng. Không tránh khỏi trường hợp nhiều phụ huynh vì thương con, sợ con thua bạn bè nên nhắc bài khiến bài thi không phản ánh đúng thực lực của học sinh", anh Nguyễn Thành, phụ huynh học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Số 2 Hòa Phước, huyện Hòa Vang bày tỏ.
Kêu gọi sự tự giác của phụ huynh
Theo cô Dương Thị Đồng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, trải qua thời gian dài học trực tuyến, việc đánh giá đúng thực lực của mỗi học sinh gặp khó khăn nhất định. Do đó, việc kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I là cơ sở để nhà trường xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào thời gian tới. Vì thế, phụ huynh nên để con em mình tự làm bài theo đúng khả năng, không can thiệp vào bài kiểm tra.
Cô Ngô Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho rằng, mục đích của việc kiểm tra cuối học kỳ I cùng với kết quả đánh giá thường xuyên nhằm điều chỉnh hoạt động dạy và học của học sinh, giáo viên. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh trước khi kiểm tra, trong buổi họp sẽ trao đổi về mục đích, yêu cầu kiểm tra và kế hoạch phối hợp để đánh giá học sinh thực chất.
"Một kỳ kiểm tra không phản ánh hết năng lực của học sinh. Đánh giá học sinh là công việc xuyên suốt năm học của mỗi giáo viên. Vì vậy, phụ huynh cần phối hợp để con em tham gia kỳ thi trung thực, từ đó có kết quả khách quan, công bằng", thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ I một cách linh hoạt, phù hợp với việc tổ chức dạy học từ đầu năm đến nay.
"Những học sinh không thể kiểm tra trực tiếp thì sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Các trường học, cơ sở giáo dục chọn lọc nội dung phù hợp để đánh giá các em. Còn phần lớn các trường photo đề, chuyển đến phụ huynh để học sinh làm bài trên giấy, sau đó nộp lại theo mốc thời gian quy định. Tại các khu vực cách ly, phong tỏa không thể nhận bài thì các trường sẽ tính toán tổ chức kiểm tra trực tuyến phù hợp", ông Linh nói.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cũng cho rằng, phụ huynh không nên can thiệp vào bài thi của học sinh để có thể đánh giá chính xác chất lượng học sinh, có phương án dạy học phù hợp trong thời gian tới.
Sở GDĐT TP.Đà Nẵng vừa có công văn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó Covid-19.
Theo đó, đối với kiểm tra định kỳ học kỳ 1, Sở GDĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng, báo cáo phương án tổ chức ôn tập, kiểm tra về phòng GDĐT; tổ chức họp với phụ huynh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; có thể chia nhỏ số học sinh/lớp trong ôn tập, kiểm tra để bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi" cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra; chỉ đạo các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra theo quy định, lưu ý không kiểm tra các nội dung đã được giảm tải. Đồng thời, cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra bằng các giải pháp, hình thức linh hoạt, phù hợp thực tế, bảo đảm an toàn trong phòng dịch.
Cụ thể, cơ sở giáo dục in đề kiểm tra các môn, tập hợp đề của các môn (mỗi học sinh 1 tập đề) theo từng lớp; cha mẹ học sinh nhận đề để học sinh làm bài và giao bài làm của học sinh tại trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp liên hệ, thống nhất với phụ huynh về cách thức nhận đề (nhận đề tại trường hoặc chọn hình thức phù hợp chuyển file để phụ huynh in đề cho học sinh làm bài).
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chỉ đạo, quy định cụ thể lịch giao đề và nhận lại bài làm của học sinh, bảo đảm quy định về phòng, chống Covid-19. Cơ sở giáo dục cũng có thể lựa chọn hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp với các nội dung kiểm tra (kiểm tra nội dung đọc thành tiếng của môn tiếng Việt; các kỹ năng nghe, nói của môn tiếng Anh; phần thực hành môn Tin học, Thể dục...) và áp dụng với đối tượng học sinh đang ở khu cách ly, khu phong tỏa... Riêng đối với Trường Tiểu học Hòa Bắc, học sinh làm bài kiểm tra trực tiếp tại lớp học. Tùy theo điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục xây dựng lịch kiểm tra, hoàn thành trước ngày 15/1/2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.