“Đã phê và tự phê thì đừng che đậy khuyết điểm”

Thứ bảy, ngày 13/10/2012 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người lãnh đạo càng cao phải là người gương mẫu giữ gìn nguyên tắc Đảng, tự giác thực hiện tự phê bình trước chi bộ, tự nhận khuyết điểm của chính mình và tự sửa chữa để làm gương.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hữu Mai khẳng định: “Đã phê và tự phê thì chẳng có gì mà phải che đậy, phải bí mật khuyết điểm, bởi lẽ Đảng ta là một Đảng cách mạng, một Đảng cầm quyền có bản lĩnh và đầy dũng khí”.

Việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 được người dân hết sức quan tâm. Theo ông, Đảng ta nên công khai kết quả kiểm điểm lần này cho toàn thể người dân được biết hay chỉ công khai trong phạm vi Ban Chấp hành T.Ư, các đảng viên?

- Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng cầm quyền, Đảng sinh ra trong lòng dân, mục tiêu đấu tranh của Đảng là phục vụ lợi ích của giai cấp, của quốc gia dân tộc, Đảng công khai lãnh đạo, mọi sự thành công, thất bại của Đảng đều gắn liền với sự tồn vong của Đảng và đất nước. Vì vậy theo tôi, đã phê và tự phê thì chẳng có gì phải che đậy, phải bí mật khuyết điểm, bởi lẽ Đảng ta là một Đảng cách mạng, một Đảng cầm quyền có bản lĩnh và đầy dũng khí.

Chẳng phải trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ đã đứng ra trước quốc dân đồng bào để nhận khuyết điểm và sửa sai hay sao. Chúng ta chỉ là học trò của Người, hơn nữa chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

img
Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban cán sự Đảng Bộ TNMT.

Theo ông, phải làm gì để những cuộc tự phê bình và phê bình tránh hình thức, “đánh trống bỏ dùi”?

- Đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên phải là việc làm thường xuyên liên tục, gay gắt, quyết liệt mới có hiệu quả. Vì vậy mỗi người cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền, phải lấy sự sống còn của Đảng làm mục tiêu chung, từng cá nhân phải tự đấu tranh với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của chính mình. Tự giác nhận sự sai trái nếu có của mình để bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng.

Người lãnh đạo càng cao phải là người gương mẫu giữ gìn nguyên tắc Đảng, tự giác thực hiện tự phê bình trước chi bộ, tự nhận khuyết điểm của chính mình và tự sửa chữa để làm gương. Có vậy thì Nghị quyết T.Ư 4 mới đi vào lòng người, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” như thực hiện nhiều nghị quyết, phong trào... trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Mai cho rằng: “Việc chạy chức chạy quyền ở Đảng ta, ở chế độ ta là một trong những nguyên nhân dẫn đến đội ngũ cán bộ của Đảng ta, nhất là những người có chức có quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Muốn giải quyết được vấn đề này, Đảng ta cần phải có đội ngũ cán bộ trung thực, liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy”.

Triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tuy có nhiều vấn đề tích cực nhưng có thể sẽ nảy sinh đấu đá nội bộ, hãm hại đồng chí của mình, bôi nhọ, đặt điều... Điều này thực tế đã xuất hiện ở một số địa phương. Theo ông, cần làm gì để hạn chế những tồn tại này?

- Một Đảng cầm quyền, Đảng cách mạng mà nếu mọi đảng viên đều thực hiện nghiêm túc nguyên tắc sinh hoạt Đảng, lấy vũ khí tự phê bình làm chính, mọi người đều tự giác nói những đúng sai về mình thì Đảng ấy sẽ mạnh, trong đấu tranh xây dựng Đảng sẽ hạn chế được việc những người cơ hội lợi dụng đấu tranh lật đổ hoặc trù dập lẫn nhau, biến cuộc sinh hoạt chính trị trở thành cuộc đấu đá, chỉ trích, trù dập, ức hiếp nhau dẫn đến chia bè rẽ cánh.

Bởi vậy, trong sinh hoạt, nếu đảng viên - nhất là đảng viên cấp cao không tự giác, tự phê bình và nghiêm túc tiếp thu phê bình để rèn mình và sửa chữa thì những cuộc sinh hoạt đó dẫn đến kết quả không tốt. Nếu tình trạng diễn ra ở cấp càng cao thì càng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho vận mệnh của Đảng và của dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Dám nói đến nơi để làm đến chốn!

Trong đợt kiểm điểm này, công tác cán bộ là chủ đề được quan tâm rất lớn. Có vấn đề trong công tác cán bộ ở một số cơ sở chưa được dư luận đồng tình, đó là tình trạng một số cán bộ được cơ cấu, sắp xếp vị trí cao hơn tiêu chuẩn nhờ "quan hệ". Nhưng khổ nỗi, phê phán nó vẫn chỉ nhiều "bàn tán". Còn trong kiểm điểm, không ít nơi né tránh. Nguyên nhân yếu kém trong vấn đề cán bộ quanh quẩn vẫn là "do thiếu nguồn cán bộ", "do yêu cầu công tác ngày càng cao"... Và khắc phục nó cũng vẫn chỉ là “bồi dưỡng để nâng cao hơn trình độ”, “rèn luyện để khắc phục yếu kém trong tác phong”… chứ chưa có cơ sở nào dám đưa ra nguyên nhân “quan hệ” và dám đề ra biện pháp “khắc phục vấn đề quan hệ” trong công tác cán bộ.

Nhiều cán bộ làm trái ngành

Đảng phải quy hoạch lựa chọn và phân công nhiệm vụ phù hợp cho cán bộ. Tôi thấy bây giờ nhiều cán bộ đang làm trái ngành chuyên môn của mình. Công tác tuyển chọn đúng và giao đúng nhiệm vụ chuyên môn cho cán bộ là việc Đảng, Nhà nước nên quan tâm. Có như vậy bản thân cán bộ được giao nhiệm vụ cũng tự tin với công việc của mình và lãnh đạo tốt ngành của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem