Đa số người bị tạm hoãn xuất cảnh đều thuộc đối tượng đang bị cưỡng chế thuế

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 27/09/2024 17:51 PM (GMT+7)
Tại Họp báo thường kỳ Quý III/2024, nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề thuế được đại diện Tổng cục Thuế giải đáp.
Bình luận 0

Đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế

Một trong những nội dung được quan tâm trong thời gian vừa qua là việc nhiều đại diện doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, trong đó nhiều ý kiến cho rằng việc bất ngờ thông báo tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là đại diện pháp nhân các doanh nghiệp có nợ thuế, trên quan điểm của cơ quan quản lý thuế, đây là quy định của pháp luật trong Luật Quản lý thuế và Luật Xuất nhập cảnh. Đây một biện pháp mà nhà nước trang bị và yêu cầu cơ quan thuế thực hiện, để đảm bảo lợi ích cho ngân sách.

Ông Minh khẳng định việc này đã được quy định trong luật và nói thêm, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp trong rất nhiều hệ quả của các doanh nghiệp hay cá nhân thuộc diện bị các quyết định cưỡng chế hành chính của cơ quan thuế. Với một số trường hợp cụ thể, trước khi đưa ra biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, người đó phải thuộc đối tượng đang bị cưỡng chế.

"Tôi nghĩ là trách nhiệm của các đại diện pháp nhân là phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước. Do đó, đi vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế sẽ cân nhắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.

img

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Đối với những thắc mắc xoay quanh ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng. Ông Minh cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế GTGT. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật thuế GTGT.

Trong dự thảo chính phủ, liên quan đến ngưỡng không chịu thuế, Chính phủ đang trình để Quốc hội giao thẩm quyền, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ có ban hành mức không chịu thuế phù hợp. Hiện nay, mức không chịu thuế GTGT đang ở ngưỡng dưới 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trong phương án báo cáo đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách, hiện nay đang dự kiến phương án trình để Quốc hội đưa vào trong đó mức cụ thể, sẽ có phương án dưới 200 triệu và dưới 300 triệu. Quyết định ngưỡng nào phụ thuộc vào Quốc hội.

Trách nhiệm của cơ quan thuế Bộ Tài chính cũng đưa ra đánh giá tác động, làm sao ngưỡng không chịu thuế này đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa thuế GTGT và thuế Thu nhập cá nhân, trong đối tượng kinh doanh và người làm công ăn lương.

img

Họp báo thường kỳ Bộ Tài chính.

Đề xuất sàn TMĐT kê khai thay, nộp thuế hộ có tính ứng dụng cao

Về sửa đổi Luật quản lý thuế, phương án tới đây về vấn đề với sàn thương mại điện tử (TMĐT), các bên cung cấp dịch vụ logistic trong hoạt động TMĐT được đề xuất cung cấp thông tin, kê khai thuế và thu hộ doanh nghiệp cung cấp hàng hóa. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng những giải pháp mà ngành thuế đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi đều nhằm mục đích tăng cường hiệu quả quản lý các khoản phí, thuế. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số và hoạt động TMĐT đang phát triển rất mạnh.

Theo Chỉ thị 18 của Thủ tướng chính phủ, ngành tài chính phối hợp các ngành chức năng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế đặc biệt là lĩnh vực TMĐT.

"Giải pháp đưa ra trong Luật, về thể chế chúng tôi muốn đưa ra trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thực hiện phối hợp. Nghị định 91 đã có quy định các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để phục vụ mục đích thu thuế, ngay cả các cơ quan nhà nước cũng hỗ trợ cơ quan thuế. Đối với doanh nghiệp, tôi nghĩ việc cung cấp cho cơ quan thuế giờ thêm một bước nữa là thực hiện kê khai thay, nộp thay là biện pháp cụ thể hóa", ông Minh cho biết.

Về kinh nghiệm quốc tế, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định đây không phải biện pháp mới. Hiện đã có 108 nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai, thu hộ. Do đó, áp dụng quy định với các doanh nghiệp trong nước cũng là biện pháp đảm bảo công bằng.

Về kỹ thuật, ông Minh khẳng định các sàn TMĐT hoàn toàn có thể thực hiện được khi nhà nước quy định và dẫn chứng từ việc quản lý chặt chẽ doanh thu, giao dịch hay thanh toán đã được các sàn TMĐT thực hiện. Theo đó, lợi ích của các sàn vẫn gắn với việc quản lý trên nền tảng công nghệ số hiện đại. Bên cạnh đó, qua một số phỏng các sàn TMĐT trong nước, các giám đốc đều khẳng định khi nhà nước có quy định đều thực hiện được.

Nói thêm về câu chuyện tận dụng công cụ để quản lý thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin về chuyển đổi số, hiện nay đã có rất nhiều thay đổi. Vì vậy công tác thuế và thu thuế cũng buộc phải thay đổi mới thích ứng, đáp ứng được yêu cầu.

img

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

"Thương mại điện tử phát triển, nên việc thay đổi cách thức về quản lý thuế là rất bình thường. Tất nhiên khi áp dụng cái mới bao giờ cũng khó khăn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các ngành, trong đó có Tổng cục Thuế lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, thực hiện sao cho phù hợp nhất. Các đề xuất khi đưa ra đã được đánh giá cả về thực tế lẫn tính khả thi, và đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem