Đặc biệt mâm cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Tày

Hà Thanh Thứ bảy, ngày 25/01/2020 11:36 AM (GMT+7)
Đồng bào dân tộc Tày họ Hà chay ở Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có mâm cúng ngày Tết vô cùng đặc biệt.
Bình luận 0

Năm nào cũng vậy, cứ vào đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết, bà Bùi Thị Vui (thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La, Văn Chấn, Yên Bái) lại tất bật chuẩn bị các lễ vật cho mâm cúng tổ tiên của gia đình. Khác với mâm cúng tổ tiên trong ngày Tết Nguyên Đán, trong mâm cúng tổ tiên của gia đình bà những ngày này, tất cả các lễ vật đều phải là các món đồ chay như: Măng rừng, hoa chuối rừng, và các loại rau, củ, quả rừng cùng món bánh chay được gói từ gạo nếp và lá chít rừng.

img

Mâm cúng tổ tiên của người Tày họ Hà chay trong ngày Tết Nguyên đán đều là các món đồ chay lấy từ rừng.

Bà Vui cho biết, bà là người dân tộc Kinh ở Thái Bình về làm dâu trong gia đình người Tày ở đây đã 40 năm nay. Từ khi về làm dâu, bà đã thấy ông bà, bố mẹ gia đình nhà chồng sắp mâm lễ cúng ngày Tết như vậy. Đến nay, bà vẫn tiếp nối điều này. Tuy nhiên nguồn gốc và ý nghĩa của mâm cúng này thì bản thân bà chưa thật sự hiểu rõ.

img

Bà Bùi Thị Vui cho biết từ khi bà về làm dâu, tục này đã có rồi.

Ông Hà Văn Đoàn (chồng bà Vui) nói: "Chẳng biết từ bao giờ đã có tục lệ này, chỉ biết rằng có từ thời xa xưa các cụ truyền lại nên con cháu đời sau vẫn tiếp tục lưu giữ đến ngày nay. Theo các cụ kể lại, trong thời kỳ chiến tranh, ông bà phải chạy giặc chạy loạn vào rừng, vào núi rồi sống ở đó. Do đồ ăn thiếu thốn nên phải tự tìm kiếm các thứ sẵn có ở trong rừng như măng rừng, hoa chuối, các loại rau rừng về làm thức ăn. Rồi từ đó trở đi, mỗi khi có người trong gia đình quy tiên, các cụ lại lấy những đồ vật tìm được ở trong rừng về làm lễ vật thắp hương và cúng ông bà tổ tiên.Tục lệ này được lưu truyền và gìn giữ từ đời này sang đời khác, đến nay con cháu trong gia đình họ Hà ai nấy cũng đều làm theo".

img

Ông Hà Văn Đoàn chia sẻ gia đình ông thuộc họ Hà chay nên các món thắp hương tổ tiên trong ngày Tết không được có thịt và mỡ.

Cũng theo ông Đoàn, họ Hà ở Thượng Bằng La được chia thành hai đó là họ Hà chay và họ Hà chay cá. Gia đình ông thuộc họ Hà chay nên tất cả các lễ vật để cúng tổ tiên trong ngày Tết đều phải là các món chay, không được thắp hương những món có thịt và mỡ.

Cụ Lò Thị Chai (94 tuổi) là người nhiều tuổi nhất của thôn và cũng là con dâu của họ Hà chay. Cụ cho biết, cụ là người dân tộc Thái ở Lai Châu xuống đây làm dâu người Tày từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trước đây khi mới về làm dâu, mỗi khi đến ngày Tết cổ truyền, thấy ông bà, bố mẹ chồng làm mâm cúng tổ tiên thắp hương, cụ cảm thấy rất lạ lẫm vì không giống với phong tục của người Thái. Nhưng sau này do tìm hiểu và hỏi han về phong tục, dần dần cụ hiểu thêm về ý nghĩa nên càng cảm thấy trân trọng và cũng tiếp nối phong tục của gia đình nhà chồng.

Ngày nay, phong tục có ý nghĩa đặc biệt này của người Tày họ Hà chay vẫn được các thế hệ con cháu lưu truyền và gìn giữ như một tập quán sinh hoạt trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Với người Tày họ Hà chay thì phong tục này không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn có ý nghĩa tinh thần sâu sắc để con cháu tưởng nhớ đến các thế hệ ông bà, tổ tiên đi trước. Đó là cách để họ lưu giữ lại những gì mà các thế hệ xa xưa để lại bằng sự tôn kính trong lòng mỗi người.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem