Đặc sản chè Xuân ở Phú Thọ có gì ngon mà bán tới giá gần 2 triệu đồng/kg?

Phương Thúy Thứ hai, ngày 14/02/2022 05:31 AM (GMT+7)
Những cơn mưa Xuân đã đánh thức những cây chè "tỉnh giấc" sau đợt ngủ đông. Nương chè đầu xuân của HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống.
Bình luận 0

Lứa chè Xuân chắt chiu nhiều dưỡng chất, vị ngọt hậu, nhẹ nhưng sâu

Nương chè đầu Xuân của HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Kiểm tra từng luống chè đang chuẩn bị thu hái, anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ với chúng tôi: Từ cuối tháng 11 âm lịch, HTX đã bắt đầu đốn chè nghỉ Đông, sau đó dọn dẹp cỏ dại, bón phân, phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh. 

Sau Tết, trời nắng ấm cùng mưa nhỏ nên chè lên xanh tốt, tầm tháng hai âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch. Lứa chè Xuân, sau một thời gian nghỉ Đông, chắt chiu được nhiều dưỡng chất, những búp non xanh mơn mởn, thơm hương đặc trưng của từng giống chè, nhẹ nhưng sâu, vị ngọt hậu, khi uống tạo cảm giác sảng khoái, ngon hơn những lứa chè còn lại của năm. 

Mặc dù chỉ đạt 50% sản lượng so với chè chính vụ nhưng chè Xuân được nhiều khách hàng ưa chuộng và chờ đợi để đặt hàng từ rất sớm. Năm nay, HTX có trên 10ha trồng chè Xuân, cho thu hoạch trên 50 tạ chè búp khô với doanh thu khoảng từ 1-1,5 tỉ đồng. 

Anh Thanh cũng phấn khởi cho biết, năm vừa qua, sản phẩm chè Đá Hen hảo hạng của HTX vừa nâng hạng thành công là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và là sản phẩm đặc thù đầu tiên của huyện Cẩm Khê được xếp hạng.

Đặc sản chè Xuân ở Phú Thọ có gì ngon mà bán tới giá gần 2 triệu đồng/kg? - Ảnh 1.

Những nương chè đã vươn lên xanh ngát, búp non mơn mởn chào đón một năm mới thuận lợi cho phát triển cây chè trên Đất Tổ.

 Rời xã Đồng Lương cùng niềm vui của anh Thanh trên những đồi chè xanh mơn mởn, chúng tôi đến xưởng chè của HTX chè Thành Nam thuộc khu Bãi Tần, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn - một trong những huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh. 

HTX chè Thành Nam có vùng nguyên liệu lên đến gần 30ha trải dài từ thị trấn đến các xã. Rót mời chúng tôi thưởng thức chén trà Xuân sóng sánh, chị Dương Thị Duyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX vui mừng cho biết: Chúng tôi đang tranh thủ đóng hàng chè Xuân để gửi cho khách. Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, HTX đóng các gói 10g, 50g, 100g, 200g, 500g với mẫu mã, bao bì được đầu tư, thiết kế công phu. 

Chè Xuân của chúng tôi được bán với giá từ 500 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng/kg, cao hơn so với chè được thu hái ở các vụ khác trong năm, bởi đây là vụ chè có số lượng ít nhưng ngon nhất, được nhiều khách hàng rất ưa chuộng. Chị cũng cho biết, từ một mặt hàng chè xanh nội tiêu, đến nay, HTX đã ra mắt thị trường 18 sản phẩm chè. 

Nhiều sản phẩm chè là sản phẩm OCOP có tiếng

Năm 2021, hai sản phẩm chè tôm nõn và chè hoa nhài của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Đây là bước khởi đầu để năm 2022 tiếp tục có thêm 3 sản phẩm được đăng ký vào chương trình OCOP, tiến tới tất cả sản phẩm của HTX đều đạt chứng nhận 3 sao trở lên, khẳng định uy tín và thương hiệu của HTX.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng của bà con cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh có 78 sản phẩm OCOP trong đó có 30 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 48 sản phẩm hạng 3 sao. 

Riêng nhóm sản phẩm chè, có 18 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Với diện tích gần 17.000ha, được quy hoạch tập trung ở 9/13 huyện, thị, thành trong tỉnh, năng suất đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 185 ngàn tấn/năm, đứng thứ tư về diện tích và thứ ba về sản lượng chè toàn quốc, cây chè đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ. 

Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con như: Đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất để bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP tại các vùng thổ nhưỡng thích hợp. 

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao.

Xuân về, chè xanh tăm tắp, lượn sóng nhìn như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Bên ấm trà nóng tỏa hương thơm ngát, vị ngon của lứa chè búp đầu tiên trong năm với vị đậm đà, màu nước xanh trong là sự khởi đầu đầy may mắn cho một năm mới an khang, thịnh vượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem