Đại án xăng lậu: Phan Thanh Hữu khai hưởng lợi chưa đến 2.000 đồng/lít vì phải chi tiền "bôi trơn", cước phí…

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 31/10/2022 16:23 PM (GMT+7)
Hữu khai, bản thân bị cáo không được hưởng lợi 2.000 đồng/lít như cáo trạng cáo buộc vì trong 2.000 đồng này bị cáo vẫn phải trừ đi cước phí, cầu tàu, hoa tiêu, lai dắt, bôi trơn…
Bình luận 0

Phan Thanh Hữu khai hưởng lợi từ xăng lậu chưa đến 2.000 đồng/lít

Trong phiên xét xử đại án xăng lậu vào ngày 31/10, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét hỏi các bị cáo gồm Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu, Nguyễn Minh Khoa, Trần Văn Việt.

Đại án xăng lậu: Phan Thanh Hữu khai hưởng lợi chưa đến 2.000 đồng/lít vì phải chi tiền bôi trơn, cước,… - Ảnh 1.

Bị cáo Phan Thanh Hữu. Ảnh: Nha Mẫn

Để làm rõ số tiền thu lợi bất chính như cáo trạng truy tố, luật sư đã hỏi Phan Thanh Hữu về cơ sở để tính ra tiền bị cáo lời 2.000 đồng/lít nhập lậu. Bị cáo Hữu khai, đáng lẽ ra tiền thu lợi bất chính phải tính theo hướng con số lợi nhuận cuối cùng. Bởi vì khi đưa hàng về, Hữu phải chi tiền bôi trơn, tiền cước, neo đậu, lai dắt tàu, hoa tiêu… nên con số lợi nhuận còn lại sẽ không được 2.000 đồng/lít như cáo buộc.

“Thực tế tiền thu về sẽ thấp hơn con số 2.000 đồng/lít nhưng cơ quan điều tra vẫn buộc bị cáo lời 2.000 đồng/lít. Bị cáo chấp nhận hết vì nói ra rất kẹt cho bị cáo bởi con bị cáo cũng bị giam và chưa được tại ngoại, vì muốn con được tại ngoại, bị cáo chấp nhận hết”, Hữu khai.

Đại án xăng lậu: Phan Thanh Hữu khai hưởng lợi chưa đến 2.000 đồng/lít vì phải chi tiền bôi trơn, cước,… - Ảnh 2.

Phan Thanh Hữu khai bản thân hưởng lợi chưa đến 2.000 đồng/lít vì phải trừ phí bôi trơn, cước phí... Ảnh: Nha Mẫn

Trong phần xét hỏi, luật sư cũng đã đề nghị cho cách ly các bị cáo liên quan đến việc tiêu thụ xăng lậu để việc xét hỏi được khách quan.

Hữu cũng khai trong số gần 200 triệu lít xăng mà cáo trạng nêu và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu thì có hơn 2,5 triệu lít xăng bị bắt giữ quả tang, số còn lại là do cơ quan điều tra tự tính toán thông qua số chuyến hàng có trong giấy tờ.

Đại án xăng lậu: Phan Thanh Hữu khai hưởng lợi chưa đến 2.000 đồng/lít vì phải chi tiền bôi trơn, cước,… - Ảnh 3.

Các bị cáo hầu toà. Ảnh: Nha Mẫn

“Có hai giai đoạn buôn xăng, trong đó thực tế xăng bị cáo nhập lậu tiêu thụ tại Việt Nam là 127 triệu lít, số còn lại là tiêu thụ tại Campuchia (67 triệu lít). Tổng số xăng bị cáo đã nhập chỉ khoảng 194 triệu lít chứ không phải gần 200 triệu lít như cáo trạng nêu”, Hữu khai thêm.

Trả lời luật sư bào chữa cho mình, Hữu xác nhận thêm là trong việc làm ăn, Viễn góp vốn 53,4 tỷ đồng (60%) để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam; 40% còn lại do bị cáo góp, nhưng thực tế trong đó có 20% của người môi giới trong đường dây tên là A Hùng. Do bị cáo không rõ lai lịch người này nên phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền góp 40%.

Clip: Bị cáo Phan Thanh Hữu khai về quá trình buôn xăng lậu

Cũng theo lời bị cáo Hữu khai, quá trình bị tạm giam, bị cáo có nhận được kết luận điều tra và trong kết luận có xác định bị cáo đưa đi tiêu thụ tại Campuchia là hơn 57 triệu lít xăng. 

Nhưng sau đó, cơ quan điều tra thu hồi lại kết luận điều tra và sửa lại bản khác buộc bị cáo phải chịu toàn bộ số xăng nhập lậu đều tiêu thụ tại Việt Nam. Ngoài ra, theo bị cáo Hữu, khi xăng vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam sẽ hao hụt  nhiều nhưng cơ quan điều tra không trừ ra.

"Trước đây bị cáo mới bị bắt rất tỉnh táo, nhớ mọi chuyện nhưng mà vì con trai cũng bị bắt nên mới "kẹt". Sau khi bị bệnh, sức khoẻ bị cáo giảm sút và trí nhớ cũng không còn được như xưa", bị cáo Hữu nói.

Clip: Bị cáo Phan Thanh Hữu khai không được hưởng lợi nhiều như cáo trạng nêu.

Trước lời khai của bị cáo Hữu, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên trong vụ án để làm rõ cơ sở tính số tiền thu lợi bất chính của Hữu cũng như bị cáo khác. Ngoài ra, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể xác định A Hùng có hay không vận chuyển xăng sang Campuchia bán, vận chuyển ra sao để làm rõ thêm bản chất vụ án, giảm trách nhiệm cho Hữu và đồng phạm. 

Luật sư cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, cuối tháng 2/2021 Phan Thanh Hữu đã thanh toán 55 tỷ đồng cho phía chủ hàng tại Singapore. Lúc này, thuyền trưởng Lê Đình Hùng điều khiển tàu Western Sea đến nhận xăng tại cảng Vopak (Singapore). Sau đó, Hữu liên lạc với thuyền trưởng Hùng thông báo về thời gian, tọa độ, khu vực vùng biển giao nhận.

Ngày 4/2/2021, Hữu chỉ đạo ba con tàu Nhật Minh 07, 08, 09, để tiếp nhận xăng từ tàu Western Sea. Sau khi nhận được xăng, tàu Nhật Minh 07 đưa xăng về khu vực bến nhà yến của Nguyễn Hữu Tứ (tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) để bơm cho các con tàu Huỳnh Ngân và tàu của Công ty Vân Trúc.

Đến ngày 6/2/2021, tàu Nhật Minh 08 đưa xăng về bến của Nguyễn Hữu Tứ bơm vào tàu Huỳnh Ngân và Nhật Minh 06 thì bị cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang. Lúc này, Hữu bị bắt giữ ngay trong đêm.

Biết tin Hữu bị bắt, Viễn và Cường đã chỉ đạo tàu Western Sea quay lại để bơm số xăng tàu của tàu Nhật Minh 09 nhằm xóa dấu vết rồi đưa ra vùng biển OPL (vùng biển tự do), tiếp tục bơm xăng sang tàu Pacific Ocean. Vì không biết mang số xăng này đi đâu, sau khoảng 1 tháng Viễn và Cường vẫn tiếp tục cho tàu Pacific Ocean vào Việt Nam bơm vào tàu Khánh Hòa 1, Khánh Hòa 3 đưa về cảng Bắc Vân Phong tiêu thụ.

Biết đang bị công an điều tra mà trên tàu Khánh Hòa còn tồn lại 1,2 triệu lít xăng nên Viễn, Phạm Hồng Cường và Nguyễn Minh Đức bàn bạc chỉ đạo tàu Khánh Hòa 03 bơm xăng tồn sang tàu Pacific Ocean để vận chuyển trả lại cho chủ hàng Singapore. Sau đó, Viễn được Cường cho biết phía chủ hàng bên Singapore vẫn đang giữ tiền và số hàng 1,2 triệu lít xăng nhưng một thời gian sau Cường đã bỏ trốn và đến nay vẫn chưa xuất hiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem