Đại biểu hỏi hóc búa, giám đốc sở xin thông cảm

Thứ sáu, ngày 09/12/2011 14:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có 25 đại biểu đặt hơn 50 câu hỏi bức xúc về môi trường ở TP.HCM trong buổi chất vấn sáng 8.12 tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố. Ít nhất 3 lần ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TNMT đã phải kêu các đại biểu thông cảm vì không trả lời nổi các câu hỏi hóc búa.
Bình luận 0

Vấn đề xử lý nước thải trong các KCN đã mở đầu cho làn sóng "tố" việc quản lý môi trường bất cập. Trả lời cho câu hỏi mà có đến 3 đại biểu đặt ra là hiện nay nhiều KCN vẫn xả nước thải ra khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng (KCN Lê Minh Xuân, KCN Phong Phú…), Giám đốc Sở TNMT Đào Anh Kiệt cho biết, trong số 16 KCN, khu chế xuất của TP thì đã có 14 KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

"Chỉ còn KCN Phong Phú chưa làm, còn KCN Đông Nam thì xây dựng chưa xong" - ông Kiệt nói. Tuy nhiên, các đại biểu chưa đồng tình khi đề nghị "Sở hãy chứng minh cho cử tri thấy là 100% các nhà máy xử lý nước thải vận hành tốt, chứ không phải xây dựng để đối phó?" - đại biểu Võ Văn Sen hỏi.

Ông Kiệt nói: "Tất cả các nhà máy đều hoạt động hiệu quả. Chỉ có nhà máy ở KCN Quang Trung đang đấu nối. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống xử lý đạt loại A rồi không thèm vào nhà máy xử lý chung nữa!".

Đại biểu Huỳnh Công Hùng hỏi thẳng: "Hiện có bao nhiêu trạm quan trắc để theo dõi ô nhiễm môi trường? Nó đặt ở đâu?". Ông Đào Anh Kiệt lấp lửng: "Theo tôi biết, trong nội thành hiện còn khoảng 9 trạm quan trắc xây dựng từ những năm 90 đã cũ kỹ, đang tìm nhà đầu tư để thay thế. Còn ở ngoại thành hình như chỉ còn 2 trạm".

Ông Kiệt cũng thông tin, thành phố đã di dời 35/37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra ngoại thành, còn 2 đơn vị rất khó làm là Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 và Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Hai đơn vị này muốn di dời phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác.

Đại biểu Trịnh Xuân Thiều bức xúc: "Các bô rác đều gây ô nhiễm trầm trọng nên thành phố đã có kế hoạch thay thế, hiện nay đã đi đến đâu?". Ông Kiệt nói: "Hiện còn khoảng 300 bô rác gây ô nhiễm. Chúng tôi sẽ có chuyên đề riêng để báo cáo Uỷ ban về vấn đề này". Ông cũng than thở: "Dù cơ quan Nhà nước có cố gắng đến mấy mà ý thức mọi người chưa tốt thì mọi việc vẫn cứ dây dưa".

Đại biểu Trần Văn Thiện hỏi: "Trong số các vụ ô nhiễm thì bao nhiêu phần trăm là do người dân phát hiện?". Ông Kiệt lộ vẻ mất bình tĩnh: "Tôi không quan tâm ai phát hiện. Ai phát hiện cũng được nhưng tôi xin nói rõ vai trò giám sát của người dân còn mờ nhạt lắm. Họ chỉ nói mà không có chứng cứ. Chúng tôi cần họ tham gia bằng chứng cứ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem