Đại biểu Quốc hội: Nếu thức ăn nuôi tôm đưa đến tận tay người nuôi, không qua trung gian, giá thành giảm 20%
Đại biểu Quốc hội: Nếu thức ăn nuôi tôm đưa đến tận tay người nuôi, không qua trung gian, giá thành giảm 20%
Khương Lực
Chủ nhật, ngày 25/07/2021 12:11 PM (GMT+7)
Nêu câu chuyện thua thiệt của 80% nông dân nuôi tôm khi phải mua vật tư ngành tôm theo phương thức trả chậm từ các doanh nghiệp FDI, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) kiến nghị Chính phủ cần đánh giá tác động của dòng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp một cách toàn diện và sâu sắc để có giải pháp phù hợp nhất.
Sáng nay (25/7), Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế -xã hội. Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) kiến nghị Chính phủ đánh giá toàn diện về tính hai mặt của dòng vốn FDI đã và đang đem đến những đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước, song cũng đang ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL trong những năm gần đây.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho rằng, thông thường giá trị kinh tế một chuỗi ngành hàng được phân chia một cách hợp lý cho tất cả các bên tham gia, nhưng trong nuôi tôm lại đang trong tình trạng thân ai nấy lo.
"Khi giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, các nhà sản xuất hàng hóa phục vụ ngành tôm lập tức tăng giá trong khi người nuôi tôm không thể tự nâng giá tôm bán ra, bởi giá bán tôm phải tuân theo thị trường tại thời điểm thu hoạch" - ĐBQH Nguyễn Huy Thái nói.
Bên cạnh đó, có hơn 80% nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu phải chấp nhận mua vật tư ngành tôm theo phương thức mua trả chậm, vì không có đồng vốn mua theo phương thức trả tiền trước trong khi 70% giá thành nằm ở công đoạn này.
Theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái, nếu như thức ăn nuôi tôm và vật tư ngành tôm được đưa đến tận tay người nông dân, không thông qua đại lý thì giá thành nuôi tôm giảm được khoảng 20%.
Và đi đôi với đó là làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và người nông dân một nắng hai sương sẽ có hưởng lợi cao hơn. Nhưng đó là điều không thể.
"Cử tri Bạc Liêu nói rằng thường cái gì mình mua nhiều, xài nhiều sẽ được giảm giá. Nhưng trong nuôi tôm thì hoàn toàn ngược lại. Sự ngược lại ấy đã và đang diễn ra theo cách hoàn toàn toàn bất hợp lý, đó là mua hàng hóa nuôi tôm càng nhiều, người nông dân nuôi tôm càng phải chịu mức giá cao" - ĐBQH Nguyễn Huy Thái phản ánh.
Trên thực tế, người dân biết là thua thiệt nhưng vẫn phải chấp nhận mua vì nếu không mua vật tư ngành tôm thông qua đại lý thông qua phương thức mua chịu thì người nông dân nuôi tôm không biết lấy hàng ở đâu.
"Nhà sản xuất không cho người nông dân mua thiếu, chịu. Ngân hàng thương mại tuy sẵn sàng cho người nông dân vay vốn nuôi tôm nhưng kèm theo đó phải hội đủ những điều kiện cần thiết" - ĐBQH Nguyễn Huy Thái nói và cho cho biết có 80% người nông dân nuôi tôm trên đất ông bà xưa để lại, không có vốn liếng, tài sản để thế chấp.
Vì thế, ĐBQH Nguyễn Huy Thái phản ánh những lựa chọn khó khăn của người nuôi tôm: "Nếu ngậm ngùi bỏ nghề nuôi tôm kể coi như thất nghiệp, cho thuê lời lãi không được bao. Nếu buộc lòng phải bán đất thì với người nông dân mất đất đai canh tác kể như trắng tay, vì đồng nghĩa với đó là mất đi tất cả".
Trong khi đó, nhưng doanh nghiệp lớn với dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang dần dần chiếm lĩnh thị trường vật tư ngành nuôi tôm.
Các công ty nhỏ hơn rơi vào tình trạng mắc kẹt trong sản phẩm của chính họ với sản lượng ít, khả năng sinh lời thấp, dẫn đến một số doanh nghiệp ngành vật tư nuôi tôm bị phá sản.
Cuối cùng, người nông dân nuôi tôm đang là người thiệt thòi, lãnh đủ hệ lụy của những diễn biến đó. Và các đại lý đang đánh vào tâm lý của người nông dân, đó là chuộng theo cung cách ăn trước, trả sau và nghịch lý vẫn đang tiếp diễn.
"Người nuôi tôm tự nguyện trong ngậm ngùi để rồi luôn là người gánh chịu thiệt thời hơn ai hết trong chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ ngành tôm. Cho nên mấy năm gần đây, dù trúng tôm cách mấy, lợi nhuận cuối vụ cũng chẳng đáng là bao so với công sức mà người nuôi tôm bỏ ra" - ĐBQH Nguyễn Huy Thái chia sẻ.
Trong khi đó, diễn biến thời thời tiết lại mỗi lúc mỗi bất lợi hơn cho nghề nông nói chung và người nuôi tôm nói riêng.
Chính vì thế, ĐBQH Nguyễn Huy Thái kiến nghị Chính phủ cần đánh giá tác động của dòng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp một cách toàn diện và sâu sắc để có giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh nước ta hiện nay.
Nhà nước cần có những chính sách hợp lý hơn nữa để bảo vệ nông dân và cũng là giải bài toán vừa thu hút đầu tư nước ngoài vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.