Đại Đồng thành xã nông thôn mới

Thứ sáu, ngày 07/06/2013 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ chỗ chỉ đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), sau gần 3 năm triển khai xây dựng chương trình này, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã cơ bản đạt cả 19/19 tiêu chí. Kinh nghiệm của xã là vận động nhân dân, doanh nghiệp, thực hiện xã hội hóa… để sớm về đích.
Bình luận 0

Giá trị sản xuất 2,5 tỷ đồng/năm/ha

Đại Đồng là một xã thuần nông, nằm ở phía Tây của huyện Thạch Thất, xã có 11 thôn, 2.909 hộ/10.171 nhân khẩu, với 341ha. Cuối năm 2010, Đại Đồng được chọn làm xã điểm về xây dựng NTM của Thạch Thất, khi đó xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí, 8/19 tiêu chí gần đạt. Xác định xây dựng NTM là một thời cơ quan trọng để thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nên xã đã tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, đến nay xã đã có hàng chục hộ chuyển từ cây hoa màu, sang trồng hoa chất lượng cao, cho thu nhập 2 – 2,5 tỷ đồng/ha/năm và khoảng 79 mô hình trang trại V.A.C với tổng diện tích 37ha, thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng/ha/năm.

img
Sau khi có Chương trình xây dựng NTM, nhiều thôn ở xã Đại Đồng đã xây dựng lại cổng làng.

Kinh nghiệm trong xây dựng NTM của Đại Đồng là, sau khi thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM và các tổ công tác, xã đã tiến hành điều tra các tiêu chí, lập đề án, quy hoạch chi tiết. Đồng thời, xác định công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, xã đã tập trung vận động người dân, các tổ chức góp tiền, hiến đất, cũng như góp công, góp sức… để cùng xã làm các công trình hạ tầng. Nhờ dân chủ, công khai, mọi vấn đề đều đưa ra dân bàn bạc, nên trong 2 năm Đại Đồng đã vận động được 10.000 ngày công và hơn 1,2 tỷ đồng.

Đi đầu trong xã hội hóa

Theo ông Khuất Duy Nhân- Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, rất nhiều các công trình NTM trên địa bàn xã đã được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. “Ví như năm 2011, khi xây dựng Trường THCS Đại Đồng, kinh phí của xã hạn hẹn, kinh phí cấp trên chưa cấp về, chúng tôi tưởng phải dừng lại. Biết chuyện, một doanh nghiệp trên địa bàn xã, cũng là 1 học sinh cũ của trường đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng kinh phí xây trường. Ngoài ra, xã có tới 32 hộ tự phá nhà, thậm chí phá cả những căn nhà 3 tầng mặt đường quốc lộ, khi nghe xã kêu goi, tuyên truyền trên loa phóng thanh” – ông Nhân chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay, xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,4%, xuống còn 2,7%, nâng thu nhập đầu người từ 15 triệu đồng, lên gần 24 triệu đồng/người/năm”.

Bí thư Chi bộ 5 Khuất Văn Xuyên chia sẻ những khó khăn trong những ngày đầu đi tuyên truyền xây dựng NTM: “Chúng tôi thường xuyên gặp phải những câu hỏi của người dân như xây dựng NTM tôi được cái gì không?”. Do đó, theo ông “để người dân cùng tham gia xây dựng NTM, trước tiên phải giải thích cho người dân nắm được, biết được làm cái gì, được cái gì và mất cái gì thì họ mới đồng thuận, mới vui vẻ làm”. Bởi vậy, Bí thư Chi bộ 5 Khuất Văn Xuyên đã có những cuộc họp thôn để giải thích rõ ràng từng tiêu chí xây dựng NTM cho người dân và cho đến nay người dân thôn ông đã gần như thuộc lòng cả 19 tiêu chí xây dựng NTM.

“Khi đã có sự đồng thuận của người dân thì công cuộc xây dựng NTM thực sự sẽ tiến triển rất nhanh, công trình nào của thôn cũng hoàn thành đúng và còn sớm hơn tiến độ đề ra”, ông Kiều Hữu Hòa - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Minh Nghĩa cho biết. Tại thôn ông, trung bình một gia đình phải đóng góp tiền mặt là 1,63 triệu đồng, còn chưa kể ngày công lao động, nhưng họ vẫn rất vui và còn làm cơm rượu ăn mừng khi tuyến đường đó hoàn thành...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem