Ảnh minh họa: Nguồn An ninh Hải phòng
Song đây chỉ là “mưu ma chước quỷ” của tên tướng cướp dày dạn kinh nghiệm. Chịu quản thúc, gã được phép ra khỏi phòng giam tham gia lao động bên ngoài cùng các phạm nhân khác.
Chỉ chờ có thế Hoàng lao ngay vào rừng sâu trốn thoát bắt đầu một hành trình tội lỗi mới.
Sổng chuồng
Bị bắt, Hoàng lồng lộn, gầm thét như con hổ dữ bị giam cầm. Trong đầu hắn luôn nung nấu ý nghĩ phải trốn trại báo thù cho bằng được, nhưng ngặt nỗi mọi nhất cử nhất động của gã luôn bị kiểm soát quá chặt chẽ.
Rồi gã ngộ ra, chỉ cần đánh lừa được quản giáo thì mọi chuyện mới suôn sẻ. Từ đấy Hoàng im lặng, ngoan ngoãn như chú cừu non mỏi mệt.
Đúng như dự đoán, sau 5 năm quanh quẩn trong phòng làm bạn với bốn bức tường, cuối cùng hắn cũng được phép ra khỏi phòng ra ngoài chăm sóc vườn thuốc lá. Đây là cơ hội vàng, Hoàng tính toán, chỉ cần đến được bìa rừng thì cơ hội trốn thoát là rất lớn.
Với cán bộ trại giam, dù Hoàng có ngoan ngoãn hiền lành đến đâu vẫn là một tên tội phạm nguy hiểm cần đề cao cảnh giác. Đồng ý cho tên cướp ra ngoài chỉ là một hình thức động viên sự hợp tác của gã nên chẳng ai dám lơ là.
Nhưng qua quan sát thì Hoàng tỏ ra ăn năn lắm. Suốt thời gian ra ngoài, hắn chỉ biết cúi đầu làm việc, không trò chuyện và không quan tâm những diễn biến quanh mình.
Cuối ngày sự kiểm soát được nới lỏng dần, Hoàng liền xách thùng nước đi vào những hàng cây giáp bìa rừng để tưới. Ngay khi quản giáo lơ là, gã lẻn ngay vào cánh rừng trước mặt, cởi bỏ quần áo tù cắm đầu cắm cổ chạy.
Cả ngày lao động cật lực để lừa cán bộ, tiếp sau đó phải chạy bán sống bán chết gần cả ngày trời, hắn vừa đói vừa mệt làm liều đi tới một cái chòi của người làm rừng xin cơm ăn, nước uống và quần áo và hỏi lối đi ra đường lộ.
Đêm đó Hoàng xin tá túc trong chòi, chờ sáng mới đi bộ ra quốc lộ bắt xe về Đồng Nai.
Sự xuất hiện không mong muốn của đứa con không làm ông Tám Lũy bất ngờ. Ông nhìn Hoàng hỏi: “Sao phải trốn trại”. Hắn trả lời: “để trả thù, mà cũng không quen sống trong tù”.
Nghe đến trả thù, ông Tám Lũy lạnh cả sống lưng nói: “CA đang lùng sục mày khắp nơi, liệu mày có sống nổi để trả thù không. Tao cho mày chiếc xuồng, mau trốn khỏi xứ để giữ cái mạng”. Câu nói của người cha khiến Hoàng “phổi” thấy chột.
Hắn cũng biết chỉ một thân một mình, không súng ống lại bị truy bắt ráo riết thì khó làm nên việc lớn nên vơ vội mấy bộ quần áo, một ít tiền ngay trong đêm đi xuồng về Phước Khánh ẩn náu tạm trong một trại vịt.
Ngay khi Hoàng trốn trại, lệnh truy nã được CA tỉnh Đồng Nai khẩn cấp ban hành. Thế nhưng dấu vết hắn để lại chỉ là bộ quần áo tù vứt bên bìa rừng và một đêm ở trong chòi của người đi rừng.
Khi biết mình đã ngủ cùng với tên cướp máu lạnh giết người không ghê tay, chủ chiếc chòi sợ đến cứng lưỡi, mấy phút sau mới lắp bắp kể việc kẻ vượt ngục đã hỏi rất kỹ lối ra đường lớn.
Như vậy là Hoàng “phổi” đã thoát khỏi rừng, tất nhiên chỗ ẩn náu an toàn nhất vẫn là khu nhà của Tám Lũy ở Cầu Cháy.
Thế nhưng sau hai ngày mật phục quan sát, các thành viên trong nhà Tám Lũy vẫn sinh hoạt bình thường, các trinh sát đành rút lui lên phương án mới. Thấy tình hình đã dịu bớt, bà Tám Lũy cho xuồng chạy xuống Phước Khánh đưa Hoàng xuống vùng miền Tây lẩn trốn.
Để tránh bị chú ý, suốt một thời gian dài hắn phải hạ mình thành tên cướp vặt dọc vùng Trà Vinh, Mỹ Tho sống qua ngày. Hơn một năm sau (1993), biết tin CA đã nới lỏng truy bắt, Hoàng mới quay về Cần Giờ hoạt động.
Cuộc vây bắt giữa rừng đước
Tin Hoàng trốn trại một năm sau mới đến tai của Nguyễn Văn Tất (em trai Hoàng đang bị giam giữ), tên này liền tìm cách vượt ngục. Chỉ mấy ngày sau, hắn đã có mặt tại Cần Giờ lên kế hoạch trộm cướp lâu dài với anh trai mình.
Lực lượng coi như đã tạm ổn, chỉ còn thiếu vũ khí. Về phần này Hoàng cũng đã nhắm được nơi cung cấp hàng là các chốt bảo vệ trong rừng. Trong thời gian qua lại, tên cướp phát hiện hầu hết các chòi đều chỉ có một dân quân tự vệ.
Một buổi sáng đầu tháng 7.1993, một ngư dân cao gầy vẫy vẫy tay rồi cho xuồng tiếp cận chốt bảo vệ. Người thanh niên gầy, môi thâm tím như bị lạnh đi lên chốt, tay run run xin lửa châm điếu thuốc cháy dở.
Thấy gương mặt quen quen, nghĩ là ngư dân thường qua lại, anh dân quân không mảy may nghi ngờ để khẩu súng xuống nhổm người dậy dùng hai tay che lửa.
Bất ngờ gã thanh niên húc mạnh đầu vào bụng người bảo vệ khiến anh ngã lăn ra chòi rồi nhanh tay chộp lấy khấu AK nhảy xuống xuồng. Trong tích tắc ấy, người dân quân sực nhớ đến gương mặt kẻ truy nã Hoàng “phổi” liền bật dậy báo động.
Tuy nhiên ở phía dưới, tên cướp chĩa mũi súng lên gằn giọng: “Im lặng không tao bắn bể sọ” nên đành im lặng cho hắn tẩu thoát.
Có quân, có súng nhưng muốn làm ăn lâu dài phải có được nơi ăn chốn ở cho an toàn. Hoàng, Tất bàn bạc phải chiếm một đầm tôm trong rừng đước làm chỗ ẩn nấp. Mấy ngày đi tìm, cuối cùng hai tên cướp chấm được một trại nuôi tôm ở thôn Tam Hiệp, Cần Giờ đạt chuẩn.
Thế là hai tên vác AK đến gặp ông chủ ngỏ ý “mượn” tạm trại tôm một thời gian. Nhìn thấy cặp mắt sắc lạnh, môi chì cùng khẩu súng lăm lăm trên tay của Hoàng, quá khiếp sợ người này phải gật đầu.
Chỉ trong tích tắc, anh em nhà Tám Lũy đã có một chỗ an toàn để bắt đầu cho hàng loạt vụ cướp táo bạo.
Hàng ngày chúng phối hợp chạy xuồng đến rình tại các nút giao thông khuất, chờ các ghe đánh cá đi qua thì tiếp cận rồi dùng súng khống chế cướp hết cá tôm đem về căn cứ nuôi chờ người nhà vào mới vớt lên chở ra ngoài bán.
Lại nói về việc truy bắt hai tên tội phạm vượt ngục Hoàng, Tất. Với CA Đồng Nai, anh em nhà Tám Lũy là những con hổ dữ đói mồi, một khi sổng chuồng chắc chắn sẽ gây ra những hiểm họa khôn lường.
Tuy nhiên bọn cướp cũng nắm bắt được vấn đề trên nên vừa ra ngoài chúng chui sâu vào các rừng đước ngập mặn, ven cửa biển Kiên Giang rất khó truy tìm.
Giữa tháng 8.1998, tin tức về hoạt động của một băng tội phạm có súng lộng hành dọc tuyến sông nước thôn Tam Hiệp khiến CQCSĐT CA huyện Long Thành liên hệ ngay tới hai kẻ tội phạm đang trốn nã.
Ban lãnh đạo liền cử hai trinh sát giỏi, từng chạm trán với anh em nhà Tám Lũy là Trần Văn Dũng và Nguyễn Văn Hải đi điều tra nắm bắt tình hình.
Gần một tuần trinh sát, hai đồng chí xác định chúng là Hoàng và Tất liền phối hợp với đồng chí Lê Hữu Tài, Phó CA xã Đại Phước lên kế hoạch tác chiến.
Căn cứ địa của bọn cướp được bao quanh là sông và rừng đước chỉ có một bờ kè độc đạo dẫn vào trong. Từ trong chòi nhìn ra có thể quan sát được tất cả động tĩnh bên ngoài, việc tiếp cận vào trong không hề đơn giản.
Khoảng 16g ngày 23.8.1993, trời đổ mưa như trút nước, nước sông dâng cao và gió mạnh. Trong chòi, Hoàng đắp mền nằm ngủ, cô ba Phấn và người chồng Nguyễn Văn Dứt chưa kịp ra về ngồi xoay lưng vào phía trong.
Thời cơ đã đến, các trinh sát áp sát bờ kè men theo từng đợt sóng trườn quanh căn chòi chốt chặn tất cả đường rút lui. Khi có ám hiệu, hai trinh sát Tài, Hải cầm súng đạp cửa chòi xông vào.
Hoàng giật mình bật dậy liền bị ngay một cú đá vào ngực đổ nhào xuống sàn. Chiếc còng số 8 bấm nhanh vào tay gã tướng cướp, hắn cứng giọng: “Mày sẽ phải trả giá, không lâu nữa đâu”.
Trong khi đó vợ chồng Phấn, Dứt mặt biến sắc, ngồi bệt xuống sàn nhà run rẩy. Khai thác nhanh hai người này, chúng khai Tất đang cầm AK đi “săn mồi” trên sông, tổ trinh sát liền cho ghe bí mật áp sát nơi nghi vấn.
Lúc Tất đang phục trong bụi rình “con mồi” thì bị hai ghe cảnh sát ập vào khống chế bắt ngay tại chỗ. Khám xét nơi ở của chúng, cảnh sát thu được một khẩu AK, hai ghe máy và rất nhiều tài sản trộm cướp khác.
Tháng 8.1998 Hoàng, Tất bị bắt về nơi giam giữ. Sau này Hoàng nhiều lần vượt ngục để thực hiện lời hứa trả thù nhưng đều bị thất bại. Biết không dễ dàng trốn trại, ¼ thời gian còn lại hắn mới ngoan ngoãn cải tạo để hưởng ân xá chờ đến ngày mãn hạn tù.
Với một tên cướp như Hoàng “phổi” khi được trả tự do liệu hắn có thể “cải tà quy chính” hay vẫn trở về con đường sai lầm cũ. Nếu hoàn lương mơ ước của Hoàng có đời thường như những người khác?
PV (PL&XH)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.