Đại gia miền Tây săn “thần dược” tắc kè bay làm “vũ khí phòng the”

Thứ bảy, ngày 09/06/2018 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều đại gia ở miền Tây sẵn sàng bỏ ra không ít tiền để tìm mua “thần dược” tắc kè bay về làm “vũ khí phòng the”.
Bình luận 0

Tại vùng Bảy Núi (An Giang), thanh niên Võ Phước Cần (21 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) nổi tiếng với nghề săn tắc kè bay. Đây là loài vật được nhiều người cho rằng có khả năng chữa được một số bệnh như hen suyễn, ho…, đặc biệt các đại gia tìm mua để tăng “sức mạnh” chuyện vợ chồng.

img

img

Loại tắc kè bay ở vùng Bảy Núi (An Giang) được dân nhậu coi như "thần dược phòng the"

Tắc kè bay ở Bảy Núi to gấp rưỡi thằn lằn nhà, trên lưng có đôi cánh ngắn nhưng không biết bay. Theo lời thanh niên này, chúng nằm trên thân cây cao, thường bò ra kiếm ăn vào buổi trưa.

“Thời điểm đi săn tắc kè bay lý tưởng nhất là từ 10-15h. Lúc đó, tắc kè bay bò ra ngoài săn mồi và phơi nắng nên mình dễ phát hiện. Mình chỉ cần nhìn từ gốc đến ngọn cây rừng là thấy chúng, lấy ná thun bắn rơi xuống đất…”, Cần kể và nói, “đạn” bắn tắc kè bay phải bằng đất.

img

Tắc kè bay thường nằm trên cây cao trong rừng rậm nên muốn bắt được chúng phải dùng ná bắn

“Sở dĩ 'đạn' hạ tắc kè bay là đất chứ không phải đá vì đất dễ vỡ ra thành nhiều mảnh dễ trúng hơn. Ngoài ra, đất bắn tắc kè cũng không làm xác của chúng bầy nhầy khi trúng đạn. Phải giữ cho nó bị thương mà còn sống thì bán mới có giá ”, Cần giải thích.

Mỗi ngày nếu siêng, Cần có thể bắn được 30-40 con tắc kè bay. “Con lớn mình bán 15 nghìn, con nhỏ 10 nghìn đồng. Mỗi ngày săn cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng”, Cận tiết lộ và nói săn tắc kè bay đôi cũng nhiều rủi ro do phải băng rừng nên nhiều lúc gặp rắn rết…

Sở dĩ tắc kè bay có giá và đắt hàng là do nhiều người cho rằng loài này là vị thuốc bổ dương và trị các bệnh mãn tính, nan y.

img

Mỗi ngày bắn tắc kè bay, Cần kiếm vài trăm nghìn đồng

Bà Thao (ngụ huyện Tịnh Biên) cho biết, trên đỉnh núi Cấm có nhiều nơi thu mua loại tắc kè bay. Sau khi mua tắc kè bay, chủ vựa phải mổ bụng, móc ruột, sấy khô, rồi bỏ vào bọc nilon, bày bán dọc theo những đường lên xuống núi Cấm cho khách hành hương, du lịch.

“Thường người ta mua tắc kè bay về nướng thành than rồi tán nhuyễn, sau đó pha bột than vào nước rồi lắng trong, múc nước trong cho trẻ con uống sẽ chữa khỏi chứng bệnh khò khè”, bà Thao nói.

img

Dân nhậu cho rằng, loại tắc kè này có khả năng giúp tăng "sức mạnh" chuyện vợ chồng.

Đặc biệt, dân nhậu rất khoái món tắc kè bay nướng hoặc uống rượu được ngâm từ loại này vì họ tin rằng có khả năng chữa trị nhiều bệnh, trong đó đặc biệt nhất là “tăng sức mạnh” chuyện vợ chồng.

“Tắc kè bình thường đã bổ thì loại tắc kè có cánh biết bay bổ gấp bội lần. Ông nào yếu hay trục trặc do tuổi cao thì uống rượu ngâm tắc kè này là ngon lành", ông Vinh, một người dân kể. Theo ông, ngoài tắc kè bay còn có bổ củi, nhện hùm… ngâm rượu cũng "ông uống bà khen".

Tuy nhiên, đây chỉ là lời đồn thổi của dân gian chứ chưa có tài liệu nào ghi nhận về công dụng của loài “thần dược” bay này. Vì thế mọi người cần cẩn trọng khi mua tắc kè bay về trị bệnh.

Các lương y cảnh báo, người bệnh không nên tin vào những bài thuốc được đồn thổi. Nên đến bệnh viện khám để có thể điều trị kịp thời nếu có bệnh.

Thanh Sang (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem