Đại gia Quảng Ninh "chiếm" đảo trên vùng vịnh: Sai phạm nối sai phạm

Tùy Phong Thứ ba, ngày 13/08/2019 19:03 PM (GMT+7)
Dù đã bị phát hiện, lập biên bản, yêu cầu phá dỡ những công trình xây dựng trái phép trên một số hòn đảo thuộc vùng vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) từ rất lâu, nhưng những “chúa” đảo vẫn quyết tâm thực hiện bằng được công cuộc cát cứ. Thậm chí, nhiều hạng mục công trình còn được xây dựng hoành tráng hơn trước.
Bình luận 0

Trước đó, Dân Việt đã có bài viết "Các đại gia đã được "chia" đảo trên vịnh Bái Tử Long như thế nào?" Theo đó, hàng loạt hòn đảo nằm ở vị trí đắc địa trên vùng vịnh Bái Tử Long, như đảo Soi Dâu, Vạ Giếng, Bánh Sữa, Nêm, Thẻ Vàng... từ nhiều năm nay đã bị một số đại gia đất mỏ lợi dụng danh nghĩa quản lý sử dụng đất rừng, trùng tu di tích, nuôi trồng thủy sản để xây dựng thành các khu ăn chơi, nghỉ dưỡng và kinh doanh dịch vụ du lịch.

img

Đảo Soi Dâu được biến thành biệt phủ hoành tráng cùng bãi cát, bến cập tàu, bờ kè kiên cố.

Theo tài liệu mà UBND huyện Vân Đồn cung cấp, từ năm 2012, UBND huyện Vân Đồn đã xác lập hồ sơ vi phạm đất đai tại đảo Soi Dâu đối với ông P.T.D. Chính quyền xã Thắng Lợi và huyện Vân Đồn xác định, từ năm 2009, ông D san gạt đất rừng tại đảo xây nhà (rộng 150m2), sân, kè (rộng 400m2), đường nội bộ… trái phép. Tháng 7/2012, UBND huyện Vân Đồn ra quyết định cưỡng chế yêu cầu khắc phục hậu quả tại đảo Soi Dâu.

img

Đảo khu vực đền Vạ Giếng được xây dựng như một khu sinh thái giữa vịnh Bái Tử Long. 

Tại khu vực đảo đền Vạ Giếng, UBND huyện Vân Đồn xác định từ năm 2012, ông T.Q.D tự ý xây dựng hàng loạt công trình trái phép như cửa, bến cập tàu, đường bê tông cùng hàng trăm mét kè đá. Năm 2014, huyện tiến hành cưỡng chế nhà ở công nhân nhưng sau đó ông D tiếp tục xây dựng một loạt nhà chòi hình bát giác. Đầu năm 2019, huyện lại ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả tại khu vực đền Vạ Giếng. Nhưng đến nay hàng loạt công trình kiên cố gồm 1 nhà sàn gỗ 2 tầng, cột gỗ, sàn gỗ, mái ngói, tuyến kè đá cập tàu dài trên 100m, đường bê tông dài và một số công trình khác vẫn sừng sững giữa biển trời.

img

Một góc công trình hoành tráng trên đảo Thẻ Vàng.

Về Dự án trồng rừng và du lịch sinh thái phía Tây đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) của ông T.V.C, theo hồ sơ pháp lý liên quan đến đất đai mà ông này cung cấp, ông đang quản lý, sử dụng khoảng 177ha, gồm 3 phần có nguồn gốc: Khu vực đất trồng rừng sản xuất (đã được cấp có thẩm quyền giao đất) là 59,2ha; đất đầm nuôi trồng thủy sản nhận chuyển nhượng lại từ ông Đoàn Viết Sinh từ năm 2007, diện tích 6,3ha; khu vực trồng và bảo vệ rừng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao đất (111,6ha, trong đó có 97ha đất trồng và bảo vệ rừng; 14,6ha đất nuôi thủy sản).

img

Một công trình xây dựng trái phép trên đảo Bánh Sữa.

Dựa vào “lá bùa” Đề án phát triển rừng và nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái được UBND huyện Vân Đồn phê duyệt năm 2009, ông T.V.C đã cho san gạt hàng trăm m2 đất lâm nghiệp để xây dựng nhà 2 tầng kiên cố. Chánh Thanh tra Sở TNMT Quảng Ninh đã có quyết định xử phạt hành chính số 26 về việc sử dụng đất không đúng mục đích. Tuy nhiên đến năm 2012, ông C vẫn tiếp tục xây dựng thêm một số hạng mục bao gồm 1 bến cập tầu, 2 nhà bê tông hai tầng, 8 nhà cấp bốn, các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh...

Đối với vi phạm này, từ năm 2012 UBND huyện Vân Đồn đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông T.V.C dừng mọi hoạt động xây dựng trái phép, tự tháo dỡ công trình vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu. Thay vì thực hiện những yêu cầu này, ông C tiếp tục xây dựng thêm 1 ngôi chùa lớn và các công trình phụ trợ trên đảo.

img

Lợi dụng các "lá bùa" tôn tạo di tích, xây dựng các công trình tâm linh, nuôi trồng thủy sản, nhiều hòn đảo đã bị một số đại gia xây dựng làm "lãnh địa" của riêng mình.

Tương tự, tại đảo Hòn Nêm (xã Thắng Lợi), đảo Bánh Sữa (xã Bản Sen), một phần đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi), hàng trăm hecta đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản cũng bị các doanh nghiệp (H.T, Đ.T, N.L) xây dựng các công trình, biến thành khu du lịch nghỉ dưỡng. UBND huyện Vân Đồn cũng đã ra các quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, lập phương án cưỡng chế... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Lý giải về việc chậm trễ này, trao đổi với Dân Việt vào ngày 9/8, ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn lý giải: “Chúng tôi lập đoàn kiểm tra, kết quả vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Phần các sai phạm trước đây, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để ban hành quyết định cưỡng chế”.

Theo lãnh đạo huyện Vân Đồn, sau khi rà soát lại toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm của UBND xã Thắng Lợi, xin ý kiến tham gia của Sở Xây dựng, Sở TNMT, UBND huyện xét thấy cần phải xác minh, củng cố thêm hồ sơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem