Bây giờ nếu gặp lại James, tôi sẽ nói khác: Vịnh Hạ Long không phải của tôi, hay của bất cứ người dân thường nào. Có người nói rằng, có lẽ di sản đó giờ là của các ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh và Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Vào trung tuần tháng 5/2019, chúng tôi phóng xuồng cùng ngư dân lướt khắp vịnh Hạ Long. Hàng loạt công trình đã và đang xây dựng trên vùng lõi khiến chúng tôi sững sờ, dù đã được báo trước.
Các thiết bị, vật tư và công nhân đang thi công bến cập tầu trước cửa động Mê Cung, với hàng nghìn khối bê tông đã đổ xuống biển. Ảnh: Nguyễn Quý.
Tại khu vực lối lên động Mê Cung, một "mê cung" những ụ nổi cùng cần cẩu, các loại thiết bị, vật tư xây dựng và hàng chục công nhân đang mải miết thi công. Khối bê tông hàng nghìn tấn, được cho là công trình bến cập tàu, đã hình thành trên mặt biển.
Tại hòn Soi Cỏ, nơi lâu nay vẫn được gọi là “Thiên cảnh sơn” trên vịnh Hạ Long, không cần "soi" cũng thấy lồ lộ một bến cập tàu quy mô lớn hiện ra với bờ kè bê tông ôm gần trọn một mặt hòn.
Bến cập tầu xây dựng trái phép trên hòn Soi Cỏ. Ảnh: Nguyễn Quý.
Gần đó, hòn Cây Chanh cũng đã bị “bao vây” bởi một bờ kè dài 170m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20cm, do Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương xây dựng.
Ngoài ra, nhiều bãi cát nhân tạo mọc lên trên vùng lõi nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch, như những "cái tát" vào bộ mặt vịnh Hạ Long.
Một quyết định muộn màng vào ngày 22/5, khi UBND tỉnh Quảng Ninh tuyên bố, sau khi báo chí phản ánh những công trình xây dựng “chui” trên vịnh Hạ Long, tỉnh đã ra công văn yêu cầu UBND TP Hạ Long dừng thi công dự án cải tạo, nâng cấp bến cập tàu hang Tiên Ông và động Mê Cung nằm trong vùng lõi vịnh Hạ Long để hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường.
Công trình kè xây dựng trái phép của Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương trên hòn Cây Chanh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Đối với các công trình bến cập tàu, bãi tắm tại hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh do Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương triển khai xây dựng từ năm 2016 tới nay, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long thừa nhận, đây là những công trình xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Cũng theo ông Huỳnh, các công trình vi phạm này đã bị Ban quản lý vịnh Hạ Long phát hiện, lập biên bản chuyển cho thành phố Hạ Long xử lý từ năm 2016. Tuy nhiên, sau đó, bến cập tàu tại đảo Soi Cỏ vẫn được hoàn thành và đưa vào khai thác, còn bến cập tàu tại đảo Cây Chanh cũng xây dựng gần hoàn thành mới chịu dừng lại...
Xây dựng bến cập tầu trước cửa hang Tiên Ông. Ảnh: Nguyễn Quý.
Sau tất cả những tổn thương đã gây ra cho vịnh Hạ Long, chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý vịnh Hạ Long thay vì ngăn chặn từ đầu, đến nay cũng chỉ ra một văn bản dừng thi công. Bởi, theo Điều 20 Nghị định số 109/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được nêu rõ: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; ngăn chặn và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di sản thế giới trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới. Thế nhưng đáng tiếc, suốt một thời gian dài, Quảng Ninh đã buông lỏng công tác này.
Một bãi cát nhân tạo được phun trên vùng lõi vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Quý.
Tại hội thảo “Tham vấn kết quả đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long” do Ban quản lý vịnh Hạ Long tổ chức vào ngày 18/6 vừa qua, các chuyên gia nhận định: Ngoài vùng lõi, vùng đệm khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng đang bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do công tác quản lý chất thải và xây dựng thiếu quy hoạch.
Hiển nhiên, vùng đệm không được bảo vệ sẽ là mối đe dọa trực tiếp tới vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Sau những “cái tát” như thế, mỗi năm vịnh Hạ Long vẫn đều đặn mang về cho Quảng Ninh hơn 1 nghìn tỷ đồng. Phải chăng vì sự dâng tế vô điều kiện như vậy, mà những người quản lý ở Quảng Ninh đã coi vịnh Hạ Long là tài sản của riêng mình, sẵn sàng ứng xử với di sản thiên nhiên thế giới như với một kẻ nô tài?
Dẫu sao, tôi vẫn mong James trở lại và đưa anh đi thăm vịnh Hạ Long nhiều lần nữa. Hi vọng đến lúc đó tôi sẽ vẫn vui vẻ mà nói với James rằng, “Hạ Long vẫn là của anh, của tôi, của tất cả chúng ta, James ạ!”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.